Skip Ribbon Commands
Skip to main content

08 bài học kinh nghiệm qua tổng kết công tác tiếp công dân của HĐND các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 759/2014/NQ-UBTVQH13

( Cập nhật lúc: 30/08/2023  )

Vừa qua, Thường trực HĐND các cấp tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức tổng kết (thông qua báo cáo) về việc thực hiện công tác tiếp công dân của HĐND và đại biểu HĐND các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 759/2014/NQ-UBTVQH13 ngày 15/5/2014 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND các cấp (Nghị quyết số 759).

Đại biểu HĐND tỉnh phối hợp tiếp công dân cùng ngày với Chủ tịch UBND tại UBND thành phố Bắc Kạn

Theo đó, từ khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 759 đến hết năm 2022, HĐND các cấp trong tỉnh đã tổ chức tiếp 1913 lượt tiếp công dân, trong đó Thường trực HĐND các cấp tiếp 996 lượt công dân; Tổ đại biểu HĐND các cấp tiếp 389 lượt công dân; đại biểu HĐND các cấp tiếp 52 công dân và Văn phòng giúp việc tiếp 476 lượt công dân.

Qua tổng kết cho thấy, Nghị quyết số 759/2014/NQ-UBTVQH13 đã được HĐND các cấp quan tâm, tổ chức, triển khai thực hiện. Việc tổ chức tiếp công dân của HĐND, đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh Bắc Kạn được thực hiện thường xuyên, theo lịch đã công khai niêm yết từ đầu năm; các cơ quan, đơn vị, phòng, ban và địa phương có liên quan phối hợp tương đối tốt trong hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Công tác tiếp công dân ngày càng đi vào nền nếp, có chuyển biến tích cực, đem lại hiệu quả nhất định, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân còn tồn tại một số hạn chế như:

- Hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp tại địa phương nơi đại biểu ứng cử chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mặc dù HĐND cấp xã có tổ chức hoạt động tiếp công dân song phần lớn là không thực hiện do không có công dân có nguyện vọng gặp đại biểu HĐND.

- Việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân của một số cơ quan, địa phương, người có thẩm quyền còn chậm, công dân phải đến đăng ký tiếp công dân hoặc có nhiều đơn thư, đơn vượt cấp, nặc danh, gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết... gây mất thời gian và công sức cho công dân.

- Hoạt động giám sát của HĐND các cấp, nhất là HĐND cấp xã về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả; công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư đôi khi chưa kịp thời.

- Một số ít bộ phận, công chức tại cấp xã được giao tham mưu tiếp công dân, giải quyết đơn thư còn hạn chế về năng lực, nghiệp vụ, dẫn đến chậm tiến độ giải quyết và chất lượng tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu.

- Cơ sở vật chất, chế độ đảm bảo cho bộ phận tham mưu, giúp việc công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là cấp xã.

- Tại cấp xã, một số địa phương chưa bố trí được địa điểm tiếp công dân cụ thể (một số địa phương bố trí tiếp công dân tại Hội trường làm việc của UBND xã; một số địa phương bố trí tại phòng làm việc của Chủ tịch HĐND); việc bố trí địa điểm tiếp công dân của đại biểu HĐND cấp xã còn gặp khó khăn (một số địa phương bố trí tại Trụ sở làm việc xã, một số địa phương bố trí tại Nhà văn hóa thôn).

- Chế độ thông tin, báo cáo kết quả giải quyết vụ việc qua tiếp công dân và đơn thư của công dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Chưa có hệ thống thông tin liên thông, đồng bộ để theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến kiến nghị qua tiếp công dân và việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Trên cơ sở những đánh giá nêu trên, Thường trực HĐND các cấp trong tỉnh đã thống nhất 8 bài học kinh nghiệm trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân như sau:

1. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư của công dân; tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân; nêu cao hơn nữa trách nhiệm nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ công vụ.

3. Phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ở đâu, cần tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm tại đó; tránh tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp. Tăng cường hơn nữa công tác gặp gỡ, đối thoại, thăm nắm tâm tư nguyện vọng của người dân.

4. Xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trong đó, quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trách nhiệm, thời hạn giải quyết của mỗi bên; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện để đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác này.

5. Chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; cũng như những quy định khác có liên quan (như đất đai, xây dựng...) đến người dân để hiểu, biết và áp dụng cho đúng. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương vận động, thuyết phục người dân chấp hành đối với những vụ việc đã được kết luận hoặc giải quyết thỏa đáng.

6. Nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến kiến nghị của người dân; theo dõi, đeo bám đến cùng việc giải quyết. Đại biểu HĐND cần nắm chắc các văn bản pháp luật hiện hành, kịp thời cập nhật các văn bản mới làm cơ sở để giải đáp, trả lời, hướng dẫn công dân trong quá trình tiếp công dân. Tăng cường hơn nữa công tác giám sát của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

7. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cũng như có chế độ ưu đãi, thu hút đối với công chức làm công tác này.

8. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, theo dõi, đồng bộ liên thông giữa cơ quan tiếp nhận, cơ quan chuyển và cơ quan giải quyết ý kiến của công dân.

Thu Sa
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP