Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định. Trong đó, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Trong 03 cấp chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương cấp huyện có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của cấp Trung ương và của cấp tỉnh; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo chính quyền cấp xã trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Do đó, việc trao đổi về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp huyện được tiếp cận trên cơ sở vị trí pháp lý và nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với tư cách là một chủ thể của hệ thống hành pháp (thực hiện nhiệm vụ lập quy - ban hành văn bản quy phạm pháp luật) và là cơ quan tự quản của địa phương (do nhân dân địa phương bầu ra, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương).
Theo quy định tại Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019), ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn mà HĐND cấp huyện chỉ cần ban hành các nghị quyết cá biệt để thực hiện (như việc thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn; giải tán HĐND cấp xã; xác nhận kết quả bầu cử các chức danh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bãi nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu; thông qua kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyết định dự toán ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách; quyết định chủ trương đầu tư…) thì HĐND cấp huyện cần phải ban hành những nghị quyết quy phạm pháp luật để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định như: Quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật; Quyết định biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp; quyết định việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở huyện; Quyết định biện pháp quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; biện pháp bảo vệ và cải thiện môi trường, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lụt ở địa phương theo quy định của pháp luật; Quyết định biện pháp phát triển hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; biện pháp phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh, thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; biện pháp phát triển việc làm, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chính sách bảo trợ xã hội, xóa đói, giảm nghèo; biện pháp bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
Các đại biểu HĐND huyện Bạch Thông biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024
Từ vị trí, vai trò và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp huyện. Tại Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, HĐND cấp huyện chỉ được ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để quy định những vấn đề được luật giao. Thực tế trong những năm qua cho thấy, các luật và văn bản dưới luật chủ yếu giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho HĐND cấp tỉnh mà hầu như không có văn bản luật nào giao cho HĐND cấp huyện ban hành. Do đó, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp huyện trên thực tế là không phát sinh. Tính tự quản của chính quyền cấp huyện bị thu hẹp gần như tuyệt đối. Điều này đã dẫn đến hệ quả là HĐND cấp huyện khó có thể thực hiện có hiệu quả tất cả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, nhất là trong việc quy định các các biện pháp mang tính đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển riêng của mỗi địa phương.
Việc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật hình thức để bảo đảm cho việc triển khai thực hiện những quy định của các văn bản pháp luật nội dung, do đó luật hình thức phải bảo đảm tương thích với luật nội dung. Trở lại quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, bên cạnh việc quy định phân quyền cho chính quyền địa phương phải được quy định trong luật, Luật này đã bổ sung quy định về việc phân cấp cho chính quyền địa phương. Tại Điều 13 đã quy định: “Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tại Khoản 1 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật đó là: “Quyết định biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp; quyết định việc phân cấp cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh”. Tương tự, tại Khoản 1 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện trong tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật đó là: “Quyết định biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp; quyết định việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện”. Để đảm bảo thực hiện quy định này, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 đã bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND cấp huyện theo hướng mở rộng hơn để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Cụ thể là: “HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.
Mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở, nhưng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa giải quyết triệt để vướng mắc trong thực tiễn và chưa tương thích hoàn toàn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Cụ thể, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã mở cho HĐND cấp huyện 02 cánh cửa về thẩm quyền: Một là “quyết định biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp”; hai là “quyết định việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện”. Tức là vừa ban hành nghị quyết để thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên (trong đó có HĐND cấp tỉnh) phân cấp (giao cho), vừa ban hành nghị quyết để phân cấp (giao lại) những nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện cho cấp dưới (cấp xã). Điều này thể hiện sự kết nối liên thông giữa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Trong khi đó Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chỉ mở cho HĐND cấp huyện một cánh cửa về thẩm quyền ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật, đó là chỉ được ban hành nghị quyết để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới mà không được ban hành nghị quyết quyết định biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp. Với quy định này đã làm vô hiệu hóa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong việc “quyết định việc phân cấp cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh” quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Trong khi không được luật, nghị quyết của Quốc hội giao thì việc HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết để “thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới (cấp xã) theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương” cũng không thể phát sinh trong thực tế.
Với những bất cập trong quy định về thẩm quyền ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND cấp huyện như đã nêu trên, rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích giữa các luật và bảo đảm nhu cầu thực tiễn đặt ra của chính quyền cấp huyện trong việc quyết định các vấn đề mang tính tự quản của địa phương (biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách; biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương)./.