Thẩm tra là kiểm tra, xem xét các nội dung cơ bản của một vấn đề nào đó để đi đến kết luận về tính đúng đắn, tính hợp pháp và tính khả thi. Đây là một trong những hoạt động của các Ban của HĐND tỉnh được quy định tại khoản 4, Điều 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 78 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Ban Kinh tế - Ngân sách tổ chức họp thẩm tra dự thảo nghị quyết trình kỳ họp chuyên đề thứ 17, HĐND tỉnh
Thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND là một trong những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng của các Ban HĐND theo luật định, nhằm xem xét sự phù hợp của các nội dung dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và sự phù hợp, tính khả thi với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND là kênh thông tin quan trọng để đại biểu HĐND xem xét, thảo luận trước khi quyết định thông qua nghị quyết của HĐND. Chính vì vậy, thẩm tra có chất lượng tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành nghị quyết, qua đó đảm bảo nghị quyết ban hành có tính khả thi, đi vào thực tế cuộc sống.
Ban Pháp chế tổ chức họp thẩm tra dự thảo nghị quyết trình kỳ họp chuyên đề thứ 17, HĐND tỉnh
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Chất lượng báo cáo thẩm tra tại kỳ họp ngày càng được nâng lên, đã đánh giá, phân tích hạn chế, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị đối với từng nội dung báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết. Báo cáo thẩm tra luôn được các đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan đồng tình, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng các kỳ họp và chất lượng các nghị quyết ban hành phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ban Dân tộc tổ chức họp thẩm tra dự thảo nghị quyết trình kỳ họp chuyên đề thứ 17, HĐND tỉnh
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cũng gặp một số khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác thẩm tra và xây dựng báo cáo thẩm tra, như: UBND tỉnh và đơn vị liên quan gửi tài liệu, hồ sơ một số báo cáo, đề án, tờ trình dự thảo nghị quyết còn thiếu và chậm so với quy định; chất lượng chưa đảm bảo nên ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ của thành viên các Ban HĐND tỉnh và đại biểu dự họp; lĩnh vực phụ trách của các Ban rộng, thành viên của các Ban chủ yếu là kiêm nhiệm nên kinh nghiệm, thời gian nghiên cứu tài liệu phục vụ thẩm tra chưa nhiều, khả năng phản biện vấn đề còn hạn chế. Ngoài ra, việc nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh có lúc còn thụ động, chưa tổ chức được nhiều hoạt động khảo sát để thu thập thông tin; việc tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, những người am hiểu về nội dung thẩm tra ít được thực hiện…
Từ thực tế hoạt động thẩm tra trong thời gian qua, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thẩm tra, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, các Ban HĐND tỉnh thường xuyên phối hợp, tham gia với UBND tỉnh, đơn vị soạn thảo ngay từ đầu quá trình xây dựng báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết (từ khâu khảo sát, lập tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết) để sớm tiếp cận, xem xét toàn diện, xuyên suốt những nội dung liên quan đến công tác thẩm tra sau này. Chủ động nghiên cứu sơ bộ nội dung ngay từ khi UBND tỉnh gửi đề xuất xây dựng nghị quyết.
Thứ hai, khi xác định rõ về cơ sở pháp lý và thẩm quyền, lãnh đạo các Ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban gắn với kinh nghiệm và địa bàn, đơn vị mà thành viên Ban đang công tác nhằm phát huy khả năng hiểu biết, tính chuyên sâu của thành viên Ban đồng thời phát huy tinh thần tập thể của Ban khi được phân công thẩm tra. Thành viên Ban cần thường xuyên cập nhật thông tin, nghiên cứu văn bản và nắm đầy đủ các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật để có ý kiến kịp thời về những nội dung có liên quan theo phân công, giúp cho công tác thẩm tra đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Thứ ba, đối với các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết có tác động và ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội, các Ban chủ động tiến hành khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để xác định sự cần thiết, tính pháp lý và tính khả thi trong thực tế. Đối với các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết qua thẩm tra mà cơ quan chủ trì tham mưu thuyết minh, giải trình còn những vấn đề chưa rõ ràng, thống nhất về căn cứ pháp lý, sự cần thiết, tính khả thi trong thực tế của đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết thì lãnh đạo Ban chủ động tham mưu Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và trình HĐND tỉnh vào kỳ họp sau.
Thứ tư, để chuẩn bị cho việc thẩm tra, căn cứ nội dung các nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh, các Ban phải thường xuyên, tích cực nghiên cứu các văn bản pháp luật mới ban hành; đồng thời cập nhật thông tin qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các phương tiện thông tin đại chúng...; chú trọng việc mời các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm, đặc biệt là việc thẩm tra đối với các lĩnh vực chuyên sâu và những vấn đề được đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh để quyết nghị có tác động đến nhiều đối tượng và phạm vi ảnh hưởng rộng. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu thẩm tra lãnh đạo Ban và thành viên Ban cần đối chiếu so sánh nội dung của báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết với các tài liệu khác có liên quan, nhất là các văn bản góp ý của các sở, ngành, địa phương để phát hiện các vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà chưa được giải trình, tiếp thu hoặc tiếp thu chưa đầy đủ. Cần thiết có thể trưng cầu thêm ý kiến của tổ chức, cá nhân có kiến thức, hiểu biết sâu về vấn đề thẩm tra.
Thứ năm, Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban và thành viên các Ban là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng công tác thẩm tra. Lãnh đạo chuyên trách Ban cần chủ động xây dựng kế hoạch thẩm tra, thống nhất phân công các thành viên Ban nghiên cứu, thẩm tra gắn với ngành lĩnh vực thành viên đang công tác, quy định cụ thể các mốc thời gian tổ chức khảo sát, thời gian hoàn thành dự thảo báo cáo thẩm tra, dự kiến thời gian họp thẩm tra sơ bộ, họp thẩm tra theo quy định của Luật. Phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh để phân công, đôn đốc bộ phận, chuyên viên giúp việc Ban tham mưu thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, đảm bảo kịp thời, có chất lượng; hằng năm, quan tâm tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực và kỹ năng thẩm tra của các thành viên Ban.
Thứ sáu, tranh thủ ý kiến chỉ đạo và định hướng của Thường trực HĐND tỉnh. Trước khi tổ chức họp thẩm tra với cơ quan chủ trì soạn thảo hồ sơ dự thảo Nghị quyết, các Ban tổ chức họp nội bộ thông qua dự thảo báo cáo thẩm tra để thống nhất nội dung. Khi tổ chức hội nghị thẩm tra, Ban luôn chủ động mời Thường trực HĐND tỉnh phụ trách lĩnh vực Ban cùng tham dự để cho ý kiến và có định hướng sớm, trước khi Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp để nghe các Ban báo cáo sơ bộ về nội dung thẩm tra.
Đối với các hồ sơ dự thảo Nghị quyết chưa phù hợp với tình hình thực tế, thiếu tính khả thi, còn có ý kiến trái chiều, Ban sớm báo cáo tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh để có định hướng, đảm bảo sự thống nhất, không đưa vào nội dung chương trình kỳ họp đối với những hồ sơ dự thảo nghị quyết không đảm bảo chất lượng.
Thứ bảy, nội dung báo cáo thẩm tra cần súc tích, đúng trọng tâm. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh là một trong những tài liệu quan trọng thể hiện quan điểm của Ban, giúp cung cấp thông tin cho các đại biểu HĐND tỉnh, do vậy nội dung báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cần ngắn, gọn, đi sâu vào nội dung thẩm tra, báo cáo thẩm tra không sửa các lỗi về chính tả, gây dài dòng, không cần thiết. Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự phù hợp, tính khả thi với điều kiện thực tế của địa phương; kết luận thẩm tra phải cụ thể, rõ ràng; những vấn đề Ban nhất trí, không nhất trí đều cần làm sáng tỏ. Đối với những dự thảo nghị quyết có câu từ dài dòng, chưa rõ nghĩa Ban cần trao đổi, tạo sự thống nhất giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan trình để đưa ra nội dung đề xuất cho phù hợp.
Thứ tám, thực hiện tốt cơ chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Ban Thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn.
Làm tốt một số giải pháp trên vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của Pháp luật vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các Ban HĐND tỉnh, thực hiện hiệu quả chức năng quyết định của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, góp phần vào sự thành công của các kỳ họp HĐND./.