Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 20/06/2024  )

Sau 03 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Bắc Kạn đã từng bước tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, xây dựng chuỗi giá trị hướng đến đưa các sản phẩm của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.

Sản phẩm Miến dong Tài Hoan của HTX Tài Hoan, huyện Na Rì là sản phẩm đạt OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh xuất khẩu ra thị trường Châu Âu

Chương trình OCOP (One Commune One Product) - Mỗi xã một sản phẩm là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg năm 2018 ngày 7 tháng 5 năm 2018 về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020; Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Chương trình được quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện từ Trung ương tới địa phương (tỉnh, huyện, xã). Chương trình có sự tham gia của nhiều ngành, hàng dựa trên kinh nghiệm từ phong trào OVOP tại Nhật Bản (năm 1979), đến nay đã được phát triển trên toàn thế giới với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều hướng đến cải thiện nền kinh tế, xã hội, trọng tâm là vùng nông thôn hiệu quả và bền vững.

Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 08 tháng 4 năm 2019 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27 tháng 4 năm 2022 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, đa dạng và phù hợp với nhu cầu của thị trường; UBND tỉnh ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2021-2025” tại Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2021, trong đó đặt ra chỉ tiêu đối với Chương trình OCOP đến năm 2025 toàn tỉnh có từ 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao.

Qua 03 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Bắc Kạn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 218 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên (đạt 109% mục tiêu giai đoạn 2021-2025), trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao trong tổng số 42 sản phẩm đạt 5 sao Quốc gia, 02 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Châu âu và Nhật Bản; 13 sản phẩm đã có vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ, VietGap, GACP-WHO; có 94,6% chủ thể đạt doanh thu tăng từ 1,1 lần trở lên...Các cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên, Nhân dân đã có nhận thức đúng đắn về mục tiêu, ý nghĩa của Đề án OCOP; khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trong việc huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân trong tỉnh bước đầu đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đảm bảo quy chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các chủ thể OCOP tham gia Đề án được nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng và các sở, ban, ngành tăng cường hoạt động tuyên truyền Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” với nhiều hình thức phong phú, thông qua nhiều kênh thông tin như xây dựng các bài viết, chuyên mục tuyên truyền về Chương trình và sản phẩm OCOP trên cuốn Bản tin “Công tác xây dựng Ðảng”, Báo Bắc Kạn, Đài PT-TH tỉnh...Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” gắn với công tác thực hiện Đề án. Các cơ quan chuyên môn đã tổ chức hội nghị tập huấn triển khai nội dung Đề án OCOP, nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai Chương trình OCOP các cấp; tổ chức 11 đợt tư vấn hỗ trợ tại chỗ cho 100% các chủ thể tham gia Đề án; Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai tư vấn trực tiếp cho trên 1.200 sáng lập viên về kiến thức hợp tác xã, bộ máy tổ chức, hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế đề xuất các nhiệm vụ KHCN liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP để bố trí, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp KHCN hàng năm; tỉnh đã làm hồ sơ đề nghị và
được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho 02 sản phẩm Miến dong và Vịt bầu cổ xanh (nâng tổng số sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý lên 04 sản phẩm: Quýt, Hồng không hạt, Miến dong và Vịt bầu cổ xanh). Có 02 sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: Khẩu nua Pái Chợ Đồn, Nếp Tài Ba Bể (nâng tổng số 05 sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: Chè san tuyết Bằng Phúc, Gạo bao thai Chợ Đồn, Gạo nếp khẩu nua Lếch, Khẩu nua Pái Chợ Đồn, Nếp Tài Ba Bể).

Hằng năm, UBND tỉnh, cấp huyện ban hành kế hoạch đánh giá sản phẩm OCOP năm; kiện toàn Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm và quy chế hoạt động của Hội đồng làm cơ sở tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 218 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được công nhận (trong đó, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, có 18 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 199 sản phẩm đạt OCOP 3 sao). Tỉnh đã xây dựng và vận hành cổng thông tin điện tử “Kết nối OCOP” hồ sơ sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của tỉnh Bắc Kạn, lựa chọn để đăng tải trên hệ thống https://ketnoiocop.vn; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia Đề án chương trình phát triển thương mại điện tử địa phương, trong đó hỗ trợ các chủ thể tham gia sàn thương mại điện tử uy tín trong nước: Lazada.vn, Shopee.vn, Backanmarket.vn, đưa 104 sản phẩm OCOP, nông sản hàng hóa lên sàn PostMart.vn; hỗ trợ 25 lượt chủ thể OCOP tham gia chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia; tổ chức các sự kiện hội chợ, quảng bá sản phẩm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và hình thành 18 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh...

Các sản phẩm OCOP của tỉnh trưng bày tại sự kiện Tuần văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” còn gặp một số khó khăn, thách thức: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, đồng hành cùng các chủ thể OCOP; Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở chưa đủ năng lực hỗ trợ chủ thể OCOP xây dựng, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình; Số xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP chưa cao (có 79/108 đơn vị); Việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP chưa được quan tâm đúng mức (có 52 sản phẩm OCOP được công nhận không tham gia đánh giá để cấp giấy chứng nhận sản phẩm khi hết hạn); Các chủ thể tham gia Đề án có nội lực và khả năng quản trị sản xuất còn hạn chế; Số sản phẩm đạt OCOP khá nhiều song phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu ổn định vì vậy không đáp ứng được nhu cầu thị trường với số lượng lớn; chưa tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển sản phẩm...

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, cần hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Bắc Kạn; Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035 cùng các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, kinh tế tập thể, hợp tác xã...

Hai là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, lợi ích của Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngưởi dân trong toàn tỉnh về Chương trình OCOP.

Ba là, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp; nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, Quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP và chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP địa phương. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho thanh niên, đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP.

Năm là, Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao; Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa; Áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Sáu là, Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị của chủ thể OCOP; củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận và phát triển mới sản phẩm chủ lực của tỉnh để hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng nhằm tạo đột phá về sức cạnh tranh, đáp ứng về số lượng, gia tăng giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn trong nước và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Quan tâm hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu thông qua các hội chợ triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Bảy là, Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ các Chương trình/đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình, dự án khoa học công nghệ, các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực của chủ thể OCOP và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện đề án.

Tám là, Đẩy mạnh giám sát của cộng đồng về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu; duy trì sự đặc sắc, nét văn hóa của các sản phẩm địa phương; thúc đẩy sự tham gia và có cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp của cộng đồng vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu, sử dụng lao động địa phương. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, nhất là việc duy trì, mở rộng sản phẩm; quản lý chất lượng.

Hoàng Minh Hải - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP