Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường ứng dụng, nhân rộng các đề tài/dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh

( Cập nhật lúc: 07/08/2024  )

Triển khai lựa chọn đề tài/dự án, tổ chức thực hiện và nhân rộng, ứng dụng các đề tài/dự án khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống là mục tiêu, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ứng dụng kỹ thuật trồng cà chua trong nhà màng đem lại năng suất, chất lượng cao

Trong giai đoạn 2017-2023 cả tỉnh có 77 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt triển khai, trong đó 06 nhiệm vụ cấp quốc gia ủy quyền quản lý hoặc trung ương quản lý có đối ứng kinh phí của tỉnh, 71 nhiệm vụ cấp tỉnh. Theo lĩnh vực, có 57 nhiệm vụ lĩnh vực khoa học nông nghiệp, 6 nhiệm vụ lĩnh vực khoa học và kĩ thuật, 5 nhiệm vụ lĩnh vực khoa học y dược, 11 nhiệm vụ lĩnh vực khoa học xã hội.

Đến thời điểm hiện nay, có 02 nhiệm vụ cấp quốc gia đã hoàn thành, 04 nhiệm vụ đang triển khai; nhiệm vụ cấp tỉnh có 49 nhiệm vụ đã hoàn thành, 17 nhiệm vụ đang triển khai, 05 nhiệm vụ dừng thực hiện.

Thông qua việc lựa chọn, tổ chức thực hiện và ứng dụng, nhân rộng kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, tăng năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường. Giá trị kinh tế mang lại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sau khi áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến công nghệ ngày càng rõ nét, như lợi nhuận tăng từ việc tăng năng suất sản phẩm cây trồng, vật nuôi (lợn, cây thuốc lá, bí thơm, dong riềng, gạo nếp Khẩu nua lếch, các giống cây ăn quả như cam sành, bưởi diễn, mơ vàng, lê, Dẻ ván Ngân Sơn…).  Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân ngày càng tin tưởng và hăng hái tham gia các đề tài/dự án khoa học và công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất. Ngày càng xuất hiện nhiều nông dân giỏi, lập nghiệp, làm chủ được khoa học kỹ thuật, làm giàu được trên mảnh đất của gia đình, quê hương, trong đó bước đầu có hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ như Công ty THNN Nam Huế, HTX Hương Ngàn, HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố, HTX Yến Dương… Doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia thực hiện các đề tài/dự án có cơ hội được tiếp cận, gặp gỡ và làm việc với các nhà khoa học đầu ngành, được tập huấn và thực hành các quy trình kỹ thuật trong việc nhân giống, trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến sản phẩm, góp phần làm thay đổi dần nhận thức, tư duy, cải tiến phương pháp trong lao động, sản xuất để tạo ra năng suất cao hơn. Từ đó, lan toả đến nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương để cùng thay đổi tư duy, bỏ dần những tập quán, thói quen, kinh nghiệm bị lỗi thời, không còn phù hợp.

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ luôn hướng tới những tiến bộ mới, cải tiến trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế bền vững, trong đó đảm bảo tác động ít nhất đến môi trường và sức khoẻ con người. Cải tiến về công nghệ xây dựng lò sấy thuốc lá tiết kiệm được nhiên liệu từ 20-25%; sản xuất cây trồng (quýt, hồng, chè…) áp dụng quy trình trồng hữu cơ và theo hướng tiêu chuẩn VietGap, giảm thiểu tối đa sử dụng chất hoá học và bảo vệ người tiêu dùng; chăn nuôi lợn tập trung theo hướng khép kín, tuần hoàn, giảm tối đa xả thải ra môi trường; xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh đô thị hướng tới đô thị xanh - sạch - đẹp và đô thị thông minh…

Các đề tài/dự án thực hiện đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, trong đó khoa học nông nghiệp vẫn là chủ đạo, phù hợp với tình hình thực tiễn. Kết quả các đề tài/dự án hoàn thành mang lại giá trị khoa học, giá trị thực tiễn, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế, đồng thời là cơ sở cho việc định hướng phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, phát triển cây trồng đặc sản tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc và hướng tới tạo ra các sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch. Kết quả của việc nghiên cứu và ứng dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã giúp các cơ quan nhà nước tổ chức nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý nhà nước, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được việc lựa chọn đề tài/dự án, tổ chức triển khai thực hiện và ứng dụng, nhân rộng các đề tài/dự án trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn sau:

- Các đề tài/dự án chủ yếu do các Vụ, Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu ngoài tỉnh đề xuất, đặt hàng, đề tài/dự án do địa phương đề xuất, đặt hàng còn ít. Một số đề tài/dự án chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, cơ sở.

- Số đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh được lựa chọn ít so với số đăng ký đặt hàng, do nguồn kinh phí không đáp ứng, phải ưu tiên lựa chọn những đề tài/dự án thật sự cần thiết để đảm bảo tổ chức thực hiện.

- Các lĩnh vực đề tài/dự án khoa học và công nghệ chưa đảm bảo hài hoà, chủ yếu là lĩnh vực nông lâm nghiệp, một số lĩnh vực khác có tiềm năng của tỉnh nhưng chưa được quan tâm nghiên cứu như lĩnh vực du lịch, y dược, khoa học xã hội và nhân văn…

- Một số đề tài/dự án chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian thực hiện từ 3-12 tháng do quá trình thực hiện gặp vướng mắc cần phải điều chỉnh quy mô, thời gian, tiến độ thực hiện; nhiều mô hình chưa đạt chất lượng tốt nhất; còn có 05 nhiệm vụ phải dừng triển khai do hướng nghiên cứu bị bế tắc, không có khả năng hoàn thành. Các đề tài/dự án còn gặp khó khăn trong chọn hộ triển khai, khó tìm được địa điểm thực hiện rộng, liền khu, liền khoảnh, hoặc nếu có thì hộ dân không nhiệt tình, không đảm bảo đối ứng theo yêu cầu.

- Công tác bàn giao đề tài/dự án có thời điểm, nhất là trong giai đoạn 2017-2019 chưa thực sự kịp thời để các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ứng dụng.

- Trong ứng dụng, nhân rộng kết quả: Phần lớn các địa phương chưa bố trí kinh phí để tổ chức ứng dụng, nhân rộng kết quả của các đề tài, dự án sau khi kết thúc, nghiệm thu bàn giao cho địa phương vào thực tiễn sản xuất; về kết quả ứng dụng, nhân rộng, (i) mặc dù có nhiều nhiệm vụ được đánh giá mức có ứng dụng, nhân rộng nhưng quá trình nhân rộng còn chậm, chưa thực sự bền vững, còn có thể đạt kết quả cao hơn nếu được quan tâm tổ chức triển khai tốt hơn; (ii) còn một số nhiệm vụ duy trì, thậm chí duy trì ở mức thấp, chưa chứng minh được hiệu quả khi áp dụng triển khai trong thực tiễn; (iii) còn 04 đề tài nghiên cứu không tổ chức ứng dụng, nhân rộng được trong thực tiễn, chỉ có giá trị về mặt khoa học; các mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp mới dừng lại ở mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao được năng suất, chất lượng nhưng sản phẩm ở “dạng thô”, chưa được đầu tư đúng mức khâu bảo quản, chế biến sâu tạo sản phẩm hàng hoá “dạng tinh” nên chỉ bán ra thị trường theo mùa vụ, giá cả bấp bênh, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn diễn ra ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất người dân.

Để việc lựa chọn đề tài/dự án, tổ chức triển khai thực hiện và ứng dụng, nhân rộng các đề tài/dự án thật sự có hiệu quả trong thời gian tới cần quan tâm, thực hiện một số nội dung sau:

- Công tác xây dựng kế hoạch, lựa chọn đề tài/dự án khoa học và công nghệ phải cùng thời điểm với thời gian xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách hàng năm để đảm bảo triển khai thực hiện các đề tài/dự án khoa học và công nghệ ngay từ đầu năm đảm bảo kịp thời vụ đối với một số cây trồng, vật nuôi.

- Việc đề xuất, đặt hàng đề tài/dự án khoa học và công nghệ phải xuất phát từ thực tiễn địa phương cơ sở, nâng cao và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc đề xuất, đặt hàng đề tài/dự án khoa học và công nghệ, tham gia Hội đồng tuyển chọn. Khắc phục tình trạng các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh đến tư vấn, đặt hàng, sau đó địa phương tổng hợp xét duyệt và đăng ký với tỉnh, dẫn đến đề tài/dự án không xuất phát từ nhu cầu cơ sở, sát với thực tiễn.

- Thực hiện tốt việc triển khai, ứng dụng, nhân rộng kết quả các đề tài/dự án KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút các tổ chức, cá nhân đăng ký, đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến sâu một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển y, dược, du lịch.

- Căn cứ vào khả năng ngân sách, UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các đề tài/dự án khoa học và công nghệ; thực hiện tốt Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế ứng dụng, nhân rộng đề tài/dự án khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, lồng ghép các nguồn vốn nhất là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả các đề tài/dự án khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu, chuyển giao cho địa phương.

- Tăng cường chỉ đạo và thực hiện có hiệu Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 14/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh và các chương trình, kế hoạch khác về khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ cơ sở; hằng năm khi lựa chọn nội dung để đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần tập trung vào giải quyết các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết của địa phương và chịu trách nhiệm về tính cấp thiết cần đề xuất, đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.   

Hoàng Minh Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP