Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

( Cập nhật lúc: 21/05/2024  )

Ngày 22 tháng 4 năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm Bí xanh thơm của HTX Yến Dương (Ba Bể) với các hộ thành viên năm 2024

Qua 03 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đã có chuyển biến tích cực. Cơ cấu nội ngành chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp. Chất lượng sản phẩm trồng trọt được nâng cao và gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hoạt động chăn nuôi chuyển dịch theo hướng trang trại quy mô vừa và nhỏ; đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm. Diện tích, chất lượng rừng trồng và phát triển vùng nguyên liệu dược liệu phục vụ chế biến ngày càng tăng.

Đến nay, có 10/13 chỉ tiêu đạt trên 65% so với mục tiêu nghị quyết; lĩnh vực nông, lâm nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ngành nông, lâm nghiệp đạt 3,7%/năm (mục tiêu nghị quyết 3,5%/năm), tăng 27% so với giai đoạn 2016-2020. An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 559 kg/người/năm, đạt 112% so với mục tiêu. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng có giá trị cao đạt 423 ha, diện tích chuyển đổi bình quân năm 1.737/1.600 ha đạt 109%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 73,35%.

 

Tỉnh đã chủ động triển khai, lồng ghép chính sách, nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế - xã hội vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; một số dự án, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng và nâng cao giá trị cho sản phẩm nông, lâm nghiệp của tỉnh được nhân rộng và phát triển.

Mô hình nuôi cá lồng tại xã Văn Minh (Na Rì) của Chương trình khuyến nông góp phần tăng thu nhập cho người dân

Tuy nhiên, đặt trong tương quan phát triển của cả nước và trong khu vực, quá trình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, thể hiện ở một số vấn đề như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết; sự phối hợp giữa các cấp và ngành trong thực hiện nhiệm vụ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế, các đối tượng được thụ hưởng chính sách còn ít; sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tính bền vững, năng suất, giá trị các sản phẩm chủ lực chưa cao; phương thức sản xuất của người dân phần lớn theo phương pháp truyền thống; quy mô sản xuất còn tự phát, phân tán, nhỏ lẻ nên chưa có sự liên kết tạo ra khu vực sản xuất lớn, tập trung, phần lớn nông sản của tỉnh được xuất bán dưới dạng thô, giá trị sản phẩm chưa cao; diện tích cây trồng được cấp giấy chứng nhận VietGap, hữu cơ khó thực hiện, nhu cầu về cấp mã số vùng trồng còn thấp; triển khai trồng rừng gỗ lớn còn ít, việc cấp chứng chỉ FSC cho diện tích rừng trồng (20.000 ha rừng) chưa được thực hiện; chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ, việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp còn hạn chế; chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh giữa sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch; các HTX, Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế về năng lực, quy mô nhỏ và vừa, khó khăn về nguồn vốn…

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy và chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần quan tâm một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch, đề án, chương trình công tác và có giải pháp đột phá để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU, Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về định hướng tập trung phát triển ngành nông, lâm nghiệp làm trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển nông, lâm nghiệp và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương; tăng cường bám sát, nắm tình hình tại cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế, chính sách; khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa đủ mạnh, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực mới cho phát triển. Có cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu dùng nông sản làm nòng cốt thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị. Chú trọng áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp như: VietGAP, GlobolGAP, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp nhà màng, nhà lưới...Đổi mới, nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ, sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, chất lượng cao gắn với sản phẩm đặc sản, đặc hữu, có lợi thế tại địa phương.

Năm là, tiếp tục huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác vận động đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình, dự án theo hình thức tự nguyện.

Sáu là, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối cung cầu theo chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương; phát huy tính chủ động của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp và tự nguyện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Bảy là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác nông, lâm nghiệp từ tỉnh đến cơ sở thực sự tâm huyết, trách nhiệm, năng lực và sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tám là, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, chính quyền các cấp trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các đề án, kế hoạch về phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Minh Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP