Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 08/05/2024  )

Hợp tác xã (HTX) là một loại hình kinh tế tập thể khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau. Đối với tỉnh Bắc Kạn, mô hình kinh tế HTX đã hình thành và phát triển và có vai trò, vị trí quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho đông đảo người lao động, giải quyết vấn đề an ninh lương thực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của các địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 427 HTX với tổng vốn điều lệ 625.180 triệu đồng và 4.254 thành viên (bình quân khoảng 10 thành viên/HTX); có 02 liên hiệp HTX với 14 thành viên là các HTX, các thành viên HTX đã phát huy vai trò hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển, thực hiện kết nối tiêu thụ sản phẩm và quảng bá tiềm năng du lịch cộng đồng đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan (Na Rì) sản phẩm đạt OCOCP 5 sao đã xuất khẩu ra thị trường ngoài nước.

Ngày 22 tháng 4 năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, giai đoạn 2021-2025. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27 tháng 4 năm 2022 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản‎ xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể‎. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và các văn bản chỉ đạo tăng cường hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực kinh tế tập thể; phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 2596/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2021.

Sau 03 năm triển khai thực hiện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức rõ được vai trò, vị trí, yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã thành lập mới phát triển mạnh và đa dạng; tổ chức kinh tế tập thể được củng cố về tổ chức, nâng cao năng lực, tích lũy đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu lợi ích của thành viên. Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã được: Hỗ trợ một lần để thuê lao động có trình độ Cao đẳng trở lên làm việc tại hợp tác xã (lao động có thể là thành viên, con em thành viên hợp tác xã hoặc lao động thuê ngoài, độ tuổi không quá 35 tuổi đối với lao động nữ và không quá 40 tuổi đối với lao động nam) cho 44 hợp tác xã; tư vấn trực tiếp, hỗ trợ thành lập mới cho 155 hợp tác xã với 1.589 lượt sáng lập viên; hỗ trợ trên 150 lượt hợp tác xã tiếp cận vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã - Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn và tiếp cận vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với tổng số tiền cho vay 10.070 triệu đồng; hỗ trợ trên 55 lượt hợp tác xã quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm trên trang mạng Internet, facebook, zalo, cổng thông tin tiêu thụ sản phẩm - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm trong nước, trong đó hỗ trợ trên 65 lượt hợp tác xã quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng (nhà kho, nhà xưởng) cho 14 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 31.580 triệu đồng; hỗ trợ máy móc, thiết bị cho 09 đơn vị (08 hợp tác xã và 01 hộ kinh doanh) với tổng kinh phí thực hiện là 1.338,5 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và nguồn kinh phí khuyến công quốc gia; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã, nghiệp vụ kiểm soát, tài chính kế toán trong hợp tác xã cho hơn 267 lượt thành viên hợp tác xã…

Đến nay, khu vực kinh tế tập thể bước đầu đạt đã được kết quả tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của Đảng và Nhà nước, của tỉnh là đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thị trường, xu hướng phát triển của nền kinh tế và là thành phần kinh tế quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm tinh bột nghệ nếp của HTX Nông nghiệp Tân Thành (thành phố Bắc Kạn) được tôn vinh là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn có một số tồn tại, hạn chế như sau: Một số hợp tác xã hoạt động chưa đảm bảo đúng bản chất theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản liên quan; việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của một số hợp tác xã, tổ hợp tác hiệu quả chưa cao; sản phẩm chưa nhiều, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa nâng cao giá trị sản phẩm; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại của các hợp tác xã, tổ hợp tác vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm còn hạn chế; nhân lực có năng lực, trình độ và kinh nghiệm tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác chưa nhiều; công tác hỗ trợ xây dựng hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa còn hạn chế; tư vấn, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã và duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã tại các địa phương còn mang tính hình thức, chưa phát huy được vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới; nhiều hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc, một số còn gặp khó khăn về nguồn lực, kinh nghiệm tham gia thị trường; đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào GRDP còn thấp; một số hợp tác xã không hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể, không thông báo cho cơ quan đăng ký cấp huyện và Liên minh hợp tác xã tỉnh theo quy định…

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy và chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần quan tâm một số giải pháp sau:

Một là, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thường xuyên rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch và tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đề ra.

Hai là, rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác để kịp thời sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị. Triển khai thực hiện lồng ghép có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nhất là các nội dung cấp thiết để nâng cao hiệu quả đối với kinh tế tập thể.

Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, cán bộ quản lý hợp tác xã. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tổ chức tham quan, học tập mô hình hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả ở một số tỉnh.

Bốn là, hỗ trợ cho hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; kết nối, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho hợp tác xã.

Năm là, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận vốn, nguồn lực về đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, có giá trị kinh tế cao.

Sáu là, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU và các chính sách của HĐND tỉnh, các chương trình, đề án của UBND tỉnh. Kịp thời biểu dương và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Hoàng Minh Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP