Ngày 24 tháng 8 năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 10-CT/TU).
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới
Qua 03 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đạt được những kết quả tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU tại Quyết định số 584-QĐ/TU và ban hành Quy chế làm việc số 28-QC/TU ngày 24 tháng 01 năm 2022 để quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo. UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 651/KH-UBND ngày 03/11/2021 triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU đối với lĩnh vực lâm sản. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU các cấp để tổ chức triển khai chỉ đạo quyết liệt, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến lâm sản trái phép.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lâm nghiệp được quan tâm, đã tổ chức triển khai, thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được 3.590 cuộc với 137.592 lượt người tham gia. Báo Bắc Kạn, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện trên 1.000 chuyên mục, tin, bài về hoạt động lâm nghiệp. Hoạt động tuyên truyền được đổi mới về nội dung, đa dạng hóa hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng góp phần quan trọng trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng địa phương.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng được các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý 1.457 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó: Phá rừng trái phép là 1.066 vụ, tổng diện tích thiệt hại là 264,83 ha; khai thác lâm sản trái pháp luật 75 vụ; mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến lâm sản trái pháp luật 180 vụ; vi phạm khác 136 vụ. Đã khởi tố 95 vụ án/115 bị can và có 32 vụ xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh, với tổng 54 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành. Các vụ vi phạm đều được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh; không có vụ việc kéo dài, không xảy ra các điểm nóng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Các phương án, kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng hằng năm được ban hành và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc từ cấp tỉnh đến cơ sở. Lực lượng Kiểm lâm đã chủ động tham mưu phân công ứng trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ/ngày trong các ngày cao điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; chủ động cập nhật cấp dự báo nguy cơ cháy rừng, các cảnh báo cháy rừng từ vệ tinh để kiểm tra, phát hiện sớm khi có cháy rừng xảy ra; chủ động sửa chữa và lắp mới các biển truyên truyền quản lý bảo vệ rừng, biển cấp dự báo cháy rừng; tổ chức huấn luyện, diễn tập chữa cháy rừng.
Hàng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách để triển khai thực hiện công tác trồng rừng (trồng cây phân tán và trồng lại rừng sau khai thác), chăm sóc rừng trồng. Kết quả trong 3 năm, toàn tỉnh đã thực hiện trồng được 15.224,741 ha, các năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; chăm sóc rừng trồng các năm 2021-2023 là 1.567,87 ha, qua đó thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển và duy trì độ che phủ rừng của tỉnh. Khối lượng lâm sản khai thác là 913.033,989 m3, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao, đây là nguồn nguyên liệu chính phục vụ công nghiệp chế biến lâm sản trong tỉnh, một số được vận chuyển, tiêu thụ ngoài tỉnh.
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân trồng rừng
UBND tỉnh đã thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 76 công trình, dự án (trong đó: Trình HĐND tỉnh ban hành 21 Nghị quyết với 74 công trình, dự án; trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận 02 dự án), với tổng diện tích rừng đề nghị phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là 507,55 ha. Ban hành các Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho các chủ đầu tư để thực hiện 69 công trình, dự án với tổng diện tích rừng là 241,03 ha.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng như: Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 đã tổ chức giao khoán bảo vệ rừng 18.127 ha rừng, các diện tích giao khoán đã được bảo vệ tốt. Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Tính đến nay, toàn tỉnh thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng là 27.367,65 ha, trong đó: Khoán bảo vệ rừng phòng hộ 9.602,88 ha/102 cộng đồng, rừng sản xuất 6.620,57 ha/178 cộng đồng; hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên 11.144,20 ha/2.437 hộ gia đình; hỗ trợ trồng cây phân tán 114,98 ha. Tiểu dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ, sản xuất được 108.060 ha với 665 cộng đồng, 10.550 hộ gia đình tham gia; hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ được 751,16 ha, trong đó năm 2023 trồng được 378,51 ha, năm 2024 trồng được 372,65 ha; trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng đã phê duyệt hỗ trợ gạo cho 130 hộ, 588 nhân khẩu, tương đương 77.550 kg.
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến lâm sản trái phép còn bộc lộ một số hạn chế, thể hiện ở một số vấn đề như: Số vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp vẫn còn ở mức cao mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do Bắc Kạn là tỉnh có diện tích đất rừng tự nhiên chiếm 76% tổng diện tích đất có rừng, người dân (chủ rừng) được giao đất rừng tự nhiên nhưng không được hưởng lợi từ rừng tự nhiên, chính sách hỗ trợ công tác bảo vệ rừng còn chậm (năm 2021 chưa được cấp kinh phí đối với các xã khu vực II, III) và thấp, người dân vẫn vi phạm phá rừng để lấy đất sản xuất, canh tác, trồng rừng,...Việc triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp còn chậm, hiệu quả chưa cao: Chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp trồng cây đa mục đích tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, diện tích đất trống thuộc quy hoạch lâm nghiệp để trồng đa mục đích rất ít, nhỏ lẻ, manh mún, xa khu dân cư, địa hình đồi núi dốc, đi lại khó khăn, không thuận lợi cho quá trình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng. Mặt khác để thực hiện trồng được 01 ha cây đa mục đích thì người dân phải đối ứng khá cao, trong khi các chương trình khác không phải đối ứng; việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre, nứa tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, đến nay chưa có nguồn kinh phí triển khai thực hiện. Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương về thực hiện chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp chậm được ban hành hoặc sau khi ban hành còn chưa đồng bộ dẫn đến việc nghiên cứu áp dụng thực hiện tại địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (Nghị định 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp ngày 24/5/2024 mới được ban hành).
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TU của Tỉnh ủy và chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần quan tâm một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 15/7/2017 và Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; tăng cường công tác tuần tra rừng, bám nắm địa bàn phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp; khuyến khích ứng dụng các biện pháp lâm sinh nhằm tăng sản lượng/chất lượng rừng trồng như sử dụng các giống cây chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn đáp ứng các tiêu chí quản lý rừng bền vững để thực hiện cấp chứng chỉ FSC/PEFC; thúc đẩy các hoạt động tăng cường tích lũy các-bon rừng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tham gia vào thị vào thị trường tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế khi Chính phủ ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2028.
Bốn là, tiếp tục huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác vận động đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình, dự án theo hình thức tự nguyện.
Năm là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác nông, lâm nghiệp từ tỉnh đến cơ sở thực sự tâm huyết, trách nhiệm, năng lực và sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sáu là, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, chính quyền các cấp trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.