Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

( Cập nhật lúc: 14/03/2023  )

Ngày 14/3/2023, Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; Đỗ Thị Minh Hoa, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn; Nông Quang Nhất, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Thị Thuý, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và đại diện HĐND, UBND các huyện, thành phố.


Các đồng chí lãnh đạo Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh Bắc Kạn đồng chủ trì hội nghị

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nông Ngọc Duyên đã báo cáo về tình hình triển khai lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cơ bản được thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh và nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành của tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai tuyên truyền, xin ý kiến góp ý đến cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, mọi tầng lớp nhân dân. Trong quá trình triển khai được các đối tượng nghiên cứu và hầu hết nhận được sự đồng thuận, qua tổng hợp có một số ý kiến góp ý cụ thể đến từng điều khoản của dự thảo luật, còn phần lớn các đối tượng được lấy ý kiến đều nhất trí với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh đã có 1.380 cuộc hội nghị, hội thảo được tổ chức, trong đó riêng cấp huyện là 1.350 cuộc; đã tiếp nhận được 38 báo cáo của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố; 183 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân, trong đó nội dung tiếp nhận được nhiều lượt ý kiến nhất là: Chương I về Quy định chung với 45 lượt ý kiến; Chương VII về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất với 25 lượt ý kiến; Chương XIII về Chế độ sử dụng các loại đất với 25 lượt ý kiến.

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Triệu Thị Thúy đã báo cáo tổng hợp tình hình triển khai lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Tính đến ngày 13/3/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã tổ chức 2.825 hội nghị, hội thảo, cuộc họp, buổi sinh hoạt lấy ý kiến với gần 50.000 lượt cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân tham dự và đã có trên 34.000 lượt ý kiến tham gia. Cơ bản các ý kiến đều cho rằng, dự thảo Luật lần này quy định khá toàn diện, nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội bước đầu đã được nghiên cứu bổ sung mặc dù vẫn cần tiếp tục hoàn thiện vì hầu hết các vấn đề đều liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Nhân dân trong tỉnh đề nghị khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì Chính phủ sớm ban hành văn bản dưới Luật để có thể thực hiện được ngay sau khi luật có hiệu lực; đề nghị nghiên cứu quy định rõ trong Luật nhiều nội dung, đặc biệt những quy định có liên quan đến thủ tục hành chính, không nên chờ các văn bản quy định của Chính phủ hay Bộ ngành.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vi Thị Tuyết Mai phát biểu ý kiến

Tại hội nghị đã có 16 lượt ý kiến tham gia góp ý vào các nội dung cụ thể trogn dự thảo Luật. Về giải thích cụm từ “khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất” tại khoản 30 Điều 3. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có 06 ý kiến đồng tình với việc không nên xây dựng kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Về nguyên tắc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ là nội dung được nhiều đại biểu có ý kiến tham gia. Đại biểu cho rằng, nội dung quy định còn định tính, khó triển khai thực hiện trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể trong Luật về các tiêu chí xác định. Về nguyên tắc và phương pháp xác định giá, thông tin giá đất, tại khoản 2 Điều 153 đã giải thích về nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường, tuy nhiên trên thực tế đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường để phục vụ cho công tác xác định giá đất cụ thể, không có cơ sở xác nhận tính trung thực của người cung cấp thông tin về giá đất (người chuyển nhượng hoặc người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất); việc áp dụng các phương pháp định giá để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn phức tạp, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương như thiếu thông tin giá đất thị trường, đội ngũ tư vấn định giá đất chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của công tác định giá. Về xây dựng bảng giá đất, đa số các địa phương đề nghị không thực hiện 1 năm/lần như dự thảo mà nên thực hiện theo hướng 2-3 năm/lần và và quy định thêm việc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên; có ý kiến đề nghị việc xây dựng giá đất phải đảm bảo sát thực tế, không quy định thời gian phải xây dựng bảng giá đất và có ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo luật về thực hiện xây dựng bảng giá đất hằng năm. Về giải quyết tranh chấp đất đai có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, theo đó người dân có 02 sự lựa chọn là giải quyết tranh chấp theo thủ tục hành chính hoặc theo thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đồng tình với quy định là các tranh chấp liên quan đến đất đai được giải quyết tại Tòa án nhân dân. Liên quan đến chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định chính sách đối với “đồng bào dân tộc kinh ở miền núi”…

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các đơn vị, địa phương đã tổ chức việc lấy ý kiến Nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu quả, có nhiều ý kiến xuất phát từ thực tiễn. Chủ tịch Nguyễn Đăng Bình đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, nắm bắt thông tin từ địa phương để góp ý trong thời gian tới./.

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP