Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

( Cập nhật lúc: 13/04/2024  )

Sáng 12/4/2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Hội nghị do đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn chủ trì. Tham dự Hội nghị có ĐBQH Hà Sỹ Huân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ĐBQH Nguyễn Thị  Huế, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Kạn. Về phía đại biểu mời dự, có đại diện: Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh; Lãnh đạo Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị tỉnh có liên quan, cơ quan Công an nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và cộng tác viên pháp luật của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

 Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đa số các ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và có góp ý nhiều vấn đề cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Đến nay, sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật Đường bộ có 06 Chương, 86 Điều; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có 09 Chương, 88 Điều. Trong đó có nội dung được bổ sung mới, có nội dung còn nhiều ý kiến cần tiếp tục được trao đổi, làm rõ.

Các đại biểu tham gia đóng góp đối với các dự thảo Luật

Tại hội nghị, các đại biểu tham gia đóng góp nhiều nội dung quan trọng của hai dự thảo Luật:

Đối với dự thảo Luật Đường bộ: Liên quan đến quy định về thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ tại Điều 23 còn chung chung, chưa cụ thể, ­việc quy định lắp đặt thiết bị báo hiệu đường bộ bằng âm thanh thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất là như thế nào, vị trí lắp đặt ở đâu cần được làm rõ. Về trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, khoản 2 Điều 37 dự thảo quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đối với kết cấu hạ tầng đường bộ, trong đó có quốc lộ được phân cấp, tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, đối với các đoạn tuyến quốc lộ đi qua đô thị cần có quy định việc phân cấp cho địa phương quản lý. Đề nghị rà soát các quy định tại chương IV của dự thảo Luật về tổ chức vận tải đường bộ, trong đó có quy định về vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô... đưa sang điều chỉnh tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đảm bảo thống nhất, thuận lợi cho công tác quản lý, tuyên truyền, tìm hiểu và chấp hành pháp luật, nhất là của người dân và các đơn vị, tổ chức liên quan...

Đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Liên quan đến quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, qua thảo luận vẫn có hai luồng quan điểm: Nhiều ý kiến ủng hộ quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe”, do thực tế cho thấy số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm tỷ lệ lớn tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ, trong số đó chủ yếu là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra; bên cạnh đó nhiều ý kiến còn băn khoăn, đề nghị cân nhắc việc quy định này và cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Liên quan đến quy định về đấu giá biển số xe tại Điều 37, có đại biểu đề nghị nên tiếp tục thí điểm đấu giá biển số xe ô tô theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 để có báo cáo đánh giá kết quả đầy đủ; có ý kiến nhất trí với việc đấu giá biển số xe, tuy nhiên, các nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục, các quy định của việc đấu giá nên theo quy định của Luật đấu giá tài sản để đảm bảo khoa học, toàn diện; đồng thời đề nghị làm rõ biển số xe có được coi là tài sản không, nếu được coi là tài sản thì cơ chế pháp lý đối với tài sản phải được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Luật dân sự.

Liên quan đến Giấy phép lái xe, có ý kiến đề nghị xem xét, nghiên cứu việc cấp giấy phép lái xe cho người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để đảm bảo về an toàn giao thông, nâng cao ý thức và hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông do người chưa thành niên điều khiển phương tiện gây ra. Đề nghị xem xét bổ sung trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo vào Điều 86 của dự thảo Luật để giao trách nhiệm và tổ chức thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ...       

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị là cơ sở để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nghiên cứu, tổng hợp, góp ý trước khi 02 dự thảo Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV./.

Ngọc Hoa, chuyên viên Phòng Công tác Quốc hội
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP