Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cần tiếp tục tăng cường giám sát công tác Quản lý Nhà nước về khoáng sản

( Cập nhật lúc: 29/12/2013  )

 

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh tập trung vào việc xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản; quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương; cấp phép và quản lý hoạt động khai thác khoáng sản theo luật định; chỉ đạo, đôn đốc việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường đối với mỏ hết hạn giấy phép… Tuy nhiên, công tác này cũng còn có những hạn chế cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo khắc phục như việc một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc việc ký quỹ môi trường, có đơn vị thông báo đôn đốc của cơ quan chức năng đến lần 2, lần 3, thậm chí lần 5 nhưng chưa thực hiện.  Việc phối hợp giữa ngành chức năng, chính quyền địa phương và đơn vị được cấp phép khai thác trong việc bàn giao mốc giới, chuyển mốc giới từ bản đồ ra thực địa chậm thực hiện và thực hiện chưa chặt chẽ nên khó khăn cho công tác giám sát, quản lý hoạt động của đơn vị khai thác và là nguyên nhân xảy ra tranh chấp của một số điểm mỏ. Việc theo dõi, đôn đốc đơn vị hết hạn khai thác thực hiện việc đóng cửa mỏ, bàn giao đất cho địa phương quản lý theo quy định chưa kịp thời, có mỏ đã hết hạn nhiều năm nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ như mỏ đá vôi Cây si, thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc cấp phép cho Công ty 502 hết hạn khai thác từ năm 2009; mỏ đá vôi Bản Tặc, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn cấp cho Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Phát; mỏ ăngtimon thôn Khuổi Luông, xã Lam Sơn, huyện Na Rỳ cấp phép cho Hợp tác xã Chiến Công đã hết hạn khai thác từ năm 2004. Một số doanh nghiệp không thực hiện đóng cửa mỏ đúng đề án đã được duyệt, kéo dài thời gian và gia hạn nhiều lần như mỏ vàng Ao Tây, Nà Làng, xã Lương Thượng; mỏ vàng Tân An, xã Lạng San; mỏ Tốc Lù, xã Kim Hỷ, huyện Na Rỳ. Một số điểm mỏ hết thời hạn khai thác nhưng đơn vị chưa xử lý tài sản, thậm chí lại chuyển nhượng trao tay cho đơn vị khác tiếp quản là chưa thực hiện đúng quy định của Luật khoáng sản, trong khi cơ quan chức năng chưa có biện pháp chỉ đạo để thống nhất thực hiện. Nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để, trong đó, có việc nợ tiền thuê đất, nợ tiền ký quỹ môi truờng, nợ tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Tình trạng khai thác vàng trái phép nhỏ lẻ vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương nhưng chưa được kiểm tra xử lý kịp thời. Sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và chính quyền địa phương trong công tác này chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; còn có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm trong giám sát và xử lý các hoạt động về khoáng sản hoặc tổ chức kiểm tra trùng chéo giữa tỉnh và huyện.

 

Mặc dù những năm gần đây công tác giám sát của HĐND tỉnh đã tạo nhiều dấu ấn góp phần quan trọng nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng qua nhiều đợt giám sát  mà chưa thấy có chuyển biến rõ rệt như vấn đề nợ thuế, phí, nợ ký quỹ môi trường, vấn đề hoàn thổ đóng cửa mỏ…. Do vậy, cần tăng cường giám sát, khảo sát, đôn đốc, theo dõi quá trình thực hiện, kiến nghị nào chưa được thực hiện thì kịp thời đôn đốc, nhắc nhở để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đảm bảo quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo trên địa bàn tỉnh.

ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP