Cần xem xét thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản
( Cập nhật lúc:
18/04/2013
)
Để đánh giá đúng thực trạng, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Đoàn khảo sát làm việc với một số cơ quan chức năng của tỉnh và một số Doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa địa bàn.
Theo Quyết định số 124/2012/QĐ-UBND ngày 19/1/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn thì thuế tài nguyên khoáng sản chì, kẽm là 10% giá bán ( thời điểm giá quặng là 1.500.000đ/tấn); Phí bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 16/7/2012 của HĐND tỉnh Bắc Kạn là 220.000đồng/tấn quặng. Khi đề xuất mức thuế, phí này, các cơ quan chức năng đã có những khảo sát, tính toán cụ thể giá cả thực tế, khả năng tiêu thụ trên thị trường, hàm lượng chì, kẽm trung bình trên một tấn quặng tại các mỏ trên địa bàn để tính quy đổi.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, thị trường chì, kẽm trong nước và trên thế giới nhiều biến động đứng ở giá thấp, khả năng dự đoán là giữ mức hoặc giảm nên từ khi các quy định trên có hiệu lực thì hoạt động sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để để duy trì hoạt động, Doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh vẫn đạt thấp, nợ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường kéo dài làm ảnh hưởng đến thu ngân sách của địa phương.
Qua ý kiến của các cơ quan liên quan cho thấy việc xem xét điều chỉnh thuế tài nguyên đối với quặng chì, kẽm có thể thực hiện được vì theo quy định tại Thông tư số 105/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính thì khi giá bán của loại tài nguyên có biến động tăng hoặc giảm 20% trở lên thì phải điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên. Việc xác định giá quặng chì kẽm bán ra trên thị trường địa phương và các địa phương lân cận hiện nay do cơ quan tài chính cấp tỉnh chủ trì khảo sát và tham khảo tại các Doanh nghiệp.
Đối với phí bảo vệ môi trường, mức thu nằm ở khoảng trung bình trong khung mức thu quy định tại Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ. Như vậy nếu điều chỉnh giảm mức thu phí bảo vệ môi trường vẫn còn thực hiện được vì vẫn nằm trong khung mức thu phí do Chính phủ quy định, và theo đề xuất của các Doanh nghiệp thì mức thu phí bằng mức thấp nhất là 180.000 đồng/tấn là hợp tình, hợp lý vì như đã nói ở trên giá quặng hiện nay đang đứng ở mức khá thấp. Về lâu dài thì các cơ quan chức năng cần tính toán lại hàm lượng trong một tấn quặng nguyên khai của từng mỏ để đề xuất mức phí theo tỷ lệ hàm lượng cụ thể nhằm đảm bảo công bằng trong việc thu phí.
Để tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ, thiết nghĩ UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh mức thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản chì, kẽm cho phù hợp với điều kiện thực tế để vừa tạo điều kiện cho Doanh nghiệp vượt qua khó khăn vừa không ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh đã đề ra./.