NHIỀU Ý KIẾN TÂM HUYẾT ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
( Cập nhật lúc:
21/03/2013
)
Sau hơn hai tháng lấy ý kiến, nhìn chung nhân dân trong tỉnh cơ bản đồng tình với các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các ý kiến góp ý đã thể hiện được tâm huyết và trách nhiệm của người tham gia, nêu rõ ràng, đầy đủ và có cơ sở cụ thể đề nghị sửa đổi, bổ sung. Qua hơn 300 lượt ý kiến đóng góp cụ thể vào từng chương, điều khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho thấy hầu hết các ý kiến đều khẳng định Dự thảo được chuẩn bị công phu, ngắn gọn, súc tích, trên cơ sở tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 và tình hình cụ thể của đất nước. Nội dung Dự thảo đã cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI, Dự thảo đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp; tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay chưa phù hợp với tinh thần nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được ghi trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi). Điều này thể hiện rõ nhất trong cơ chế kiêm nhiệm hiện nay ở Quốc hội, Do đó, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cần quy định rõ: Đại biểu Quốc hội không thể đồng thời là cán bộ, công chức trong các cơ quan hành pháp và tư pháp. Điều 4 của Dự thảo được nhân dân đặc biệt quan tâm, góp ý vào điều này các ý kiến đều khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, đa số các ý kiến cho rằng cần khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào trước lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vì thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Khẳng định như vậy cũng nhằm xóa bỏ âm mưu của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, bác bỏ các quan điểm đòi đa nguyên, đa đảng… Có ý kiến đề nghị ghi tên các tổ chức chính trị, xã hội vào Điều 9 để thể hiện rõ hơn vị thế của các tổ chức chính trị, xã hội trong Hiến pháp. Tổ chức chính trị - xã hội hiện nay gồm Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Là thành viên của Mặt trận tổ quốc có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị của nước ta. Nhưng Hiến pháp mới chỉ đề cập đến vị trí, vai trò của Công đoàn chưa đề cập đến các tổ chức còn lại là chưa đầy đủ. Cũng có ý kiến cho rằng để đảm bảo tính ổn định của Hiến pháp không nên nêu tên các tổ chức chính trị - xã hội. Một số ý kiến cho rằng vì Hiến pháp là đạo luật gốc, do vậy các quy định trong Hiến pháp cần mang tính nguyên tắc, tính chung, tổng thể, những quy định mang tính cụ thể, chi tiết nên để luật chuyên ngành điều chỉnh như quy định tại khoản 2, điều 22; khoản 3, khoản 4, điều 32 của Dự thảo về nghiêm cấm hành vi tra tấn, truy bức, nhục hình; trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam… nên để Luật Tố tụng hình sự điều chỉnh. Đối với Điều 21 về quyền sống của con người cần bổ sung để quy định chặt chẽ hơn vì nếu ghi như dự thảo thì đối với trường hợp phạm nhân bị kết án từ hình có vi phạm điều này không. Mặt khác, trong bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi rõ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Quy định về chính quyền địa phương cần làm rõ hơn vai trò của chính quyền cơ sở nhất là cấp thôn, bản, tổ dân phố là nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc quy định về phân cấp hành chính đối với thị tứ… Có ý kiến đề nghị giữ nguyên nội dung Điều 66, Hiến pháp 1992 làm một điều trong Hiến pháp sửa đổi “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa”, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Bởi lẽ thanh niên là nguồn lực xây dựng và bảo vệ đất nước ViệtNamxã hội chủ nghĩa đã được thể hiện qua các giai đoạn cách mạng giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH hiện nay.
Đối với khoản 2, điều 114, cần bỏ đoạn “và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân” và quy định “khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp Kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật” để đảm bảo tính khách quan khi Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ. Nếu quy định như Dự thảo sẽ dễ dẫn đến thiếu khách quan trong giải quyết vụ việc. Một số điều còn trùng lặp về nội dung nên gộp lại vừa đảm bảo tính khoa học, vừa ngắn gọn, chặt chẽ đảm bảo kỹ thuật lập hiến; một số từ ngữ sử dụng trong dự thảo chưa chính xác cần được điều chỉnh để đảm bảo rõ nghĩa hơn…