Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cần có chính sách ưu đãi đầu tư đủ mạnh đối với vùng đặc biệt khó khăn

( Cập nhật lúc: 29/05/2013  )

 

Trong đợt giám sát này, Hội đồng Dân tộc lựa chọn 41 tỉnh với 260 huyện, thị xã, các đảo thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK, vùng DTTS trong tổng số 55 địa bàn ưu đãi đầu tư. Các huyện này tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Thanh Hóa, Nghệ An (105 huyện, chiếm hơn 40%), phía Tây vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Như vậy, số huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chiếm 37% số đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước, với dân số là gần 33.060 nghìn người. Đây cũng là địa bàn các dân tộc thiểu số tập trung sinh sống với hơn 12 triệu người, chiếm 36% dân số toàn vùng.

 

Theo báo cáo của Chính phủ, đến 31/12/2012 đã có 2.025 dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK thuộc 41 tỉnh, với số vốn đăng ký là 327.527 tỷ đồng, số vốn đã đầu tư là 317.209,9 tỷ đồng. Các địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư vào vùng ĐBKK là: Hậu Giang (462 dự án, số vốn 21.976,3 tỷ đồng); Lâm Đồng (458 dự án, số vốn 26.452,8 tỷ đồng); Lai Châu (168 dự án, số vốn 77.337,4 tỷ đồng); Hà Giang (124 dự án, số vốn 5.108,2 tỷ đồng). Tính đến hết năm 2012, trên địa bàn 41 tỉnh đã thu hút được được 2.167 dự án FDI của 62 nước đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 78,08 tỷ USD, chiếm 37,36% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký. Vốn đầu tư bình quân 1 dự án 36 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.253 dự án, với tổng vốn đăng ký là 46,7 tỷ USD, chiếm 57,8% về số dự án và 59,8% về vốn đăng ký.

 

Qua giám sát cho thấy: Các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 - 2012 đạt trên 10%/năm, cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng tích cực; Thu ngân sách trên địa bàn tăng lên, góp phần không nhỏ vào chương trình xoá đói, giảm nghèo của các địa phương; Thu nhập bình quân năm 2006 là 5,94 triệu/người/năm, năm 2012 tăng lên 15,22 triệu/người/năm (một số tỉnh có mức thu nhập bình quân khá cao, trên 24 triệu/người/năm như: Lâm Đồng, Sóc Trăng, Bạc Liêu)... Tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh giảm từ 39,27% năm 2006 xuống còn 20,11% năm 2012. Nhiều dự án của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại địa bàn đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, tham gia cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, lưới điện, các công trình thuỷ lợi đầu mối, hệ thống kênh mương, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hoá xã, thôn bản, chợ khu vực... góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống, sinh hoạt của đồng bào miền núi, vùng DTTS. Lao động địa phương được thu hút vào làm việc ở các doanh nghiệp, được đào tạo nghề, tác phong lao động, sản xuất có kỷ luật, có năng suất, hiệu quả... góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập khá và ổn định, người dân phấn khởi, yên tâm lao động, sản xuất tại địa phương. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển, khai thác thế mạnh của địa phương như: trồng cây công nghiệp, cây đặc sản, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, khai thác khoáng sản, gắn đầu tư chế biến với vùng nguyên liệu, tạo dịch vụ đầu ra cho nhiều sản phẩm của đồng bào địa phương.

 

Bên cạnh kết quả trên, hoạt động đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK, vùng DTTS còn tồn tại nhiều bất cập. Đa số các dự án đầu tư trên địa bàn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hầu hết trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy điện, khai thác khoáng sản… chủ yếu là các lợi thế sẵn có của địa phương. Các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn thật sự có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK, vùng dân tộc thiểu số rất hạn chế so với địa bàn khác trong tỉnh. Một số dự án triển khai chậm so với tiến độ đã đăng ký...

 

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về điều kiện địa hình hiểm trở, không thuận lợi cho giao thương, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, thị trường và trình độ dân trí của đồng bào DTTS chưa phát triển cao... còn tồn tại nhiều nguyên nhân chủ quan làm hạn chế hiệu quả đầu tư như: Về môi trường pháp lý, phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư rộng, một số quy định về quy trình, thủ tục và thực hiện đầu tư còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường...; Chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc các nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ dẫn đến tình trạng dự án treo do không đủ năng lực tài chính, chuyển nhượng dự án ngầm, găm giữ, bao chiếm đất; Chính sách, mức ưu đãi trong Luật Đầu tư chưa hấp dẫn, chưa có sự phân biệt rõ ràng đặc thù trên địa bàn đầu tư (vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư) nên chưa đủ sức thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn thực sự ĐBKK; Hướng dẫn về danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư không thống nhất và thường xuyên thay đổi làm cho các địa phương, các doanh nghiệp lúng túng trong áp dụng các thủ tục theo quy định của pháp luật.

 

Từ những thực trạng trên, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội: Điều chỉnh, sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng tăng mức độ khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án tại vùng ĐBKK, vùng dân tộc thiểu số; Bổ sung các điều kiện ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK, nhất là những dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái; Bỏ phân biệt về hình thức đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp; Bỏ các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký đầu tư để tránh sự trùng lặp giữa thủ tục đầu tư và thủ tục đất đai...; Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng miễn thuế cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK... Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Đầu tư và các Luật liên quan, khắc phục những điểm còn bất cập không phù hợp thực tế; Ban hành một số chính sách đặc thù, nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBKK.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP