Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sự cần thiết nghiên cứu đề tài khoa học về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

( Cập nhật lúc: 20/05/2013  )

Theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Hội đồng nhân dân có hai chức năng chủ yếu là quyết định và giám sát. Trong đó, giám sát có vị trí quan trọng, thực hiện tốt chức năng này, không những đảm bảo HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương mà còn giúp các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Bắc Kạn đã có những chuyển biến rõ rệt, bước đầu khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của HĐND nói chung, hoạt động giám sát của HĐND nói riêng.

          Tuy nhiên, trong thực tiễn thì hoạt động giám sát được đánh giá là còn có những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND. Cụ thể như: chủ thể tiến hành hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp chủ yếu do Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thực hiện, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tham gia giám sát còn ít, chủ yếu tại kỳ họp. Hoạt động thảo luận và chất vấn tuy diễn ra sôi nổi nhưng cũng chỉ tập trung vào một số đại biểu, có đại biểu trong cả nhiệm kỳ không tham gia phát biểu thể hiện chính kiến của mình. Nội dung giám sát thì nhiều xong việc lựa chọn để tổ chức giám sát chưa nhiều và chưa toàn diện; một số vấn đề nổi cộm xảy ra trên địa bàn cần tổ chức giám sát chưa được giám sát kịp thời. Đối tượng giám sát và các cơ quan liên quan còn chậm giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm các kiến nghị sau giám sát; việc kiểm tra, theo dõi đôn đốc trả lời các kiến nghị của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND sau giám sát chưa sâu sát, quyết liệt. Việc chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn giám sát của một số đối tượng giám giám sát chưa đạt yêu cầu, vẫn còn những kiến nghị chung chung, chưa cụ thể nên đối tượng giám sát khó xem xét, thực hiện. Việc tổ chức đoàn giám sát trực tiếp có lúc còn chồng chéo về thời gian, địa điểm.

          Về mặt chủ quan, một trong những nguyên nhân, đó là số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ít, đội ngũ chuyên viên tham mưu giúp việc mỏng dẫn đến công tác chuẩn bị xây dựng đề cương giám sát chưa sâu, chưa sát, sự phối hợp giữa các Ban của HĐND, giữa HĐND các cấp kể cả với Đoàn ĐBQH chưa chặt chẽ, khoa học, nhất là trong việc xây dựng nội dung, thời gian giám sát.

          Để khắc phục tình trạng trên, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, vì vậy Thường trưc HĐND tỉnh Bắc Kạn chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu về “Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Bắc Kạn”. Việc thực hiện đề tài sẽ đánh giá đúng thực trạng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế từ đó đề ra giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động này đối với cơ quan dân cử ở địa phương. Giúp cơ quan điều hành, cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế và công dân ở địa phương thực thi nhiệm vụ đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm các chính sách, các chương trình hoặc các dịch vụ công cộng ở địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành được thực thi có hiệu quả góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng ở địa phương. Kết quả đạt được sẽ là cơ sở quan trọng để HĐND tỉnh thực hiện có hiệu quả chức năng của mình, đảm bảo Hội đồng nhân dân có thực quyền, khắc phục tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Hội đồng nhân dân nói chung và hoạt động giám sát nói riêng. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan tổ chức cán bộ có thẩm quyền của tỉnh xem xét, chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ đại biểu dân cử hoạt động chuyên trách - chủ thể chủ trì thực hiện hoạt động giám sát của HĐND.

ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP