BÀN VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC CỦA HĐND
( Cập nhật lúc:
19/05/2013
)
Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn được cử tri tín nhiệm bầu ngày 22/5/2011 gồm 49 đại biểu. Trong đó, đại biểu có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học, chiếm 95,92%. Thường trực HĐND tỉnh gồm 03 thành viên, trong đó: Chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm, Phó Chủ tịch và Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách; có 04 Ban của HĐND: Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Pháp chế, Ban Văn hóa – Xã hội và Ban Dân tộc cơ cấu mỗi Ban gồm 05 thành viên, trong đó 01 Trưởng ban và 03 thành viên hoạt động kiêm nhiệm; 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Các Ban HĐND tỉnh đều ban hành Quy chế hoạt động, phân công cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên; mối quan hệ công tác để thuận lợi cho Ban trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND về giám sát cũng như tổ chức các kỳ họp của HĐND ngày càng được đổi mới, có chiều sâu và hiệu quả hơn. Thường trực HĐND tỉnh làm tốt công tác điều hòa, phối hợp các cuộc giám sát, tham gia giám sát cùng các Ban; phân công nhiệm vụ cho các Ban thẩm tra theo nội dung lĩnh vực hoạt động của từng Ban đảm bảo phù hợp và khoa học...
Trên cơ sở các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005, hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có bước chuyển biến tích cực, hiệu lực và hiệu quả hơn, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và thực tiễn hoạt động của HĐND thấy rằng các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND vẫn còn thiếu chặt chẽ; Quy chế hoạt động của HĐND còn chung chung, thiếu thực tiễn, nhận thức và vận dụng các quy định của pháp luật ở mỗi địa phương không thống nhất… Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để có hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND phù hợp với thực tế .
Trước hết là mô hình cơ cấu tổ chức của các Ban của HĐND. Ban của HĐND tỉnh có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của HĐND. Nhiệm vụ của các Ban HĐND là tham gia chuẩn bị các kỳ họp HĐND; giúp HĐND giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước; tổ chức kinh tế - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp. Theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 thì Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh có thể làm việc chuyên trách, nếu Trưởng ban làm việc kiêm nhiệm thì Phó Trưởng ban phải làm việc chuyên trách. Việc quy định như vậy đã tạo nên sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, có nơi các Ban HĐND gồm Trưởng, Phó ban hoạt động chuyên trách; có nơi Trưởng Ban hoạt động chuyên trách hoặc chỉ có phó ban hoạt động chuyên trách… Đối với tỉnh Bắc Kạn cơ cấu các Ban HĐND gồm, Trưởng ban là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng các Ban Đảng kiêm nhiệm, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Ban hoạt động giúp các Ban bao quát được tình hình kinh tế - xã hội nói chung, việc thẩm tra, giám sát có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đa số các thành viên hoạt động kiêm nhiệm, chỉ có một phó ban chuyên trách, mỗi thành viên Ban chỉ có chuyên môn về một lĩnh vực theo chuyên ngành, trong khi hoạt động của Ban đòi hỏi phải có kiến thức chung bao quát đối với lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao nên quá trình thực hiện nhiệm vụ của Ban có lúc còn hạn chế. Các đồng chí Phó Trưởng ban chuyên trách chưa phát huy được tính chủ động trong quyết định mọi hoạt động của Ban.
Về mô hình tổ chức bộ máy giúp việc là Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thì Văn phòng có trách nhiệm tham mưu và tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của HĐND, các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Sau 06 năm thực hiện đã có nhiều trở ngại và thiếu thống nhất giữa các địa phương (kiến nghị qua các Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND các tỉnh trong khu vực) đó là việc thành lập các phòng chức năng, biên chế tổ chức của mỗi phòng và các điều kiện khác đảm bảo hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Thực tế hiện nay, có nơi Văn phòng thành lập 04 phòng, có nơi thành lập 03 phòng hoặc có nơi thành lập phòng theo mảng lĩnh vực hoạt động như: Kinh tế - Ngân sách, Pháp chế, Văn hóa – Xã hội. Đối với tỉnh Bắc Kạn, Văn phòng thành lập 04 phòng chuyên môn (Phòng Tổ chức – Hành chính – Quản trị, phòng Công tác HĐND, Công tác Đại biểu Quốc hội và Thông tin – Dân nguyện). Văn phòng chịu sự lãnh đạo chung trực tiếp của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND trong khi chức năng, nhiệm vụ, chế độ chi tiêu tài chính độc lập nên khó khăn trong thực hiện, nhất là các hoạt động chung. Phòng Công tác HĐND với đội ngũ chuyên viên được đào tạo ở lĩnh vực chuyên môn khác nhau tham mưu phục vụ chung các hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND còn thiếu tính chuyên sâu.
Do vậy, cần thiết phải có quy định cụ thể hơn trong Hiến pháp và sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND theo hướng nâng cao tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở các cấp, ở cấp tỉnh cần bố trí ít nhất mỗi ban 02 lãnh đạo Ban hoạt động chuyên trách; cơ cấu, số lượng thành viên các Ban của HĐND, thành viên Ban hoạt động chuyên trách có tính đến sự kế thừa giữa các nhiệm kỳ và lựa chọn thành viên Ban là những đại biểu có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, có tâm huyết và điều kiện hoạt động để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của các ban; quy định rõ vai trò của Thường trực HĐND trong việc chỉ đạo, điều hòa hoạt động của các Ban của HĐND... Đẩy mạnh việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương, cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân để đảm bảo tính thống nhất. Đồng thời, quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của bộ máy Văn phòng phục vụ phù hợp với thực tế hoạt động của HĐND. Mặt khác, đối với địa phương cần quan tâm phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan dân cử, trong đó quan tâm đến tổ chức và hoạt động của HĐND, có quy hoạch cán bộ đối với nhân sự Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, nhất là đội ngũ hoạt động chuyên trách nhằm từng bước nâng cao vị thế và thực quyền của HĐND./.