Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cần tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng

( Cập nhật lúc: 24/07/2013  )

 

Trong những năm gần đây tình hình khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ quý hiếm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, là tình trạng chặt phá, khai thác trái phép rừng giáp ranh, rừng thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt như Vườn Quốc gia, các Khu bảo tồn, khu vực rừng có nhiều gỗ quý hiếm, có lúc nổi lên thành điểm nóng gây dư luận, bức xúc trong nhân dân.

 

Từ năm 2011 đến nay, các vụ án vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng sau khi phát hiện đã được điều tra, xử lý theo trình tự pháp luật quy định. Trong số 114 vụ vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ rừng thì cơ quan Cảnh sát điều tra hai cấp đã khởi tố 46 vụ, 75 bị can, còn 68 vụ việc qua xác minh chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã chuyển cơ quan Kiểm lâm xử lý hành chính theo quy định. Cơ quan kiểm sát thụ lý kiểm sát điều tra 47 vụ, 71 bị can. Kết thúc điều tra đề nghị truy tố 25 vụ, 62 bị can; tạm đình chỉ điều tra 11 vụ do chưa xác định được đối tượng phạm tội, số vụ còn lại đang tiếp tục điều tra. Các vụ án xảy ra chủ yếu vi phạm quy định tại Điều 175, tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và điều 176, tội vi phạm các quy định về quản lý rừng của Bộ luật hình sự. Quá trình giải quyết án các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Một số địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp liên ngành để thuận lợi trong tổ chức thực hiện, những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp chủ động tổ chức họp liên ngành để phối hợp tháo gỡ vướng mắc, thống nhất đường lối giải quyết, xin ý kiến của liên ngành cấp trên hoặc lựa chọn án điểm đưa vụ án ra xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra góp phần tuyên truyền pháp luật cho nhân dân và răn đe phòng ngừa chung. Ngoài việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phối hợp tốt với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để đảm bảo cung cấp thông tin chứng cứ phục vụ công tác giải quyết án.

 

Tuy nhiên, việc phát hiện các vụ án vi phạm thông qua quần chúng nhân dân còn ít, chủ yếu do lực lượng Kiểm lâm địa bàn đi tuần tra kiểm soát, nhất là các vụ án vi phạm về khai thác gỗ trái phép, thường phát hiện khi gỗ đã bị chặt hạ, không bắt được quả tang nên khó khăn cho công tác điều tra xác minh đối tượng gây án và thu thập dấu vết, vật chứng, các mẫu so sánh, giám định... . Tỷ lệ các vụ án được phát hiện điều tra, truy tố và xét xử không nhiều so với thực tế tình hình tội phạm và vi phạm diễn ra; tỷ lệ số vụ án được điều tra, truy tố không cao, số vụ án đình chỉ, tạm đình chỉ còn nhiều. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có chặt chẽ, đúng quy định nhưng chưa kịp thời. Vướng mắc lớn hiện nay trong việc quản lý vật chứng là gỗ thuộc các vụ án khai thác gỗ trái phép vì địa bàn xảy ra vụ án thường ở xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, nhiều nơi phải đi bộ nhiều giờ hoặc cả ngày mới đến được địa điểm có vật chứng, chi phí vận chuyển về nơi tạm giữ lớn và khó vận chuyển. Hình phạt được tuyên đối với các bị cáo vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng chưa đủ sức răn đe, giáo dục người phạm tội, có đến 73,21% bị cáo áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, bị cáo bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn từ 03 năm trở xuống chiếm 26,78% (do khung hình phạt quy định ở mức thấp). Cưa xăng là phương tiện chủ yếu được sử dụng trong các vụ án khai thác trái phép lâm sản nhưng việc quản lý còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ, chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Người dân sống trong khu vực có rừng tự nhiên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sinh hoạt, đi lại khó khăn, ít được tiếp cận thông tin nên trình độ dân trí còn hạn chế, đa số là hộ nghèo nhưng chưa có cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Lực lượng kiểm lâm địa bàn mỏng, cơ sở vật chất phục vụ chưa đảm bảo nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

 

Từ thực tế trên đòi hỏi các ngành chức năng cần nghiên cứu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế việc khai thác trái phép gỗ quý hiếm trên địa bàn như giao rừng núi đá và các khu rừng phòng hộ nhỏ lẻ cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình quản lý, bảo vệ có cơ chế hưởng lợi  phù hợp để người dân tại chỗ tích cực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ vốn để phát triển cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phát triển ngành nghề đang có tiềm năng ở địa phương để tăng thu nhập, giảm thời gian nông nhàn, giảm áp lực vào rừng như dệt thổ cẩm, nuôi ong, chế biến nông sản…, nhất là đối với người dân sinh sống ở vùng lõi Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực rừng có nhiều gỗ quý hiếm; nâng cao kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và cán bộ, công chức phụ trách địa bàn chốt, trạm; tăng cường công tác giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm để nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án phải đình chỉ, tạm đình chỉ do không phát hiện được người phạm tội; tăng cường công tác xét xử lưu động đối với các vụ án vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn xảy ra vụ án để góp phần tuyên truyền pháp luật cho nhân dân địa phương và răn đe phòng ngừa chung; ngành kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, khởi tố hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn; phát động phòng trào quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm, nhất là các vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP