Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
( Cập nhật lúc:
13/11/2020
)
Sáng ngày 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia phát biểu ý kiến.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc KạnPhương Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng ngày 12/11
Bà Phương Thị Thanh cho rằng, mục đích xây dựng Luật tại Tờ trình của Chính phủ là “thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm chi ngân sách nhà nước” so với thực tiễn đề xuất dự án Luật chưa đạt được. Thứ nhất, về giảm đầu mối bộ máy, Quốc hội đã thông qua Luật Công an nhân dân,theo đó quy định về hệ thống tổ chức của công an nhân dân gồm4 cấp, cấp xã được bố trí 05 công an chính quy, những địa bàn trọng điểm còn nhiều hơn. Thứ hai, về tinh gọn đầu mối bên trong là giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách nhà nước, đây là vấn đề khó thực hiện.Theo đánh giá của Chính phủ, sau khi bố trí, sắp xếp lại 03 lực lượng: Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã bán chuyên trách để thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ giảm khoảng 500.000 người trên toàn quốc, nhưng chưa phân tích cụ thể theo địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn.Hiện nay ở đô thị có lực lượng Bảo vệ dân phố và Dân phòng được bố trí ở tổ dân phố, nếu ghép thành 01 lực lượng có thể giảm số lượng; nhưng ở nông thôn không có lực lượng Bảo vệ dân phố (chỉ có Công an xã bán chuyên trách bố trí 01 công an viên/thôn) thì sau khi tổ chức lại lực lượng có thể sẽ làm tăng số lượng ở khu vực này.
Ngoài ra, bà Thanh cho rằng quy định về chế độ, chính sách và điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại mục 2 và mục 3 Chương III là chưa phù hợp với vị trí là “lực lượng quần chúng tự nguyện”; các quy định này sẽ làm phát sinh chi phí, ngân sách nhà nước, nhất là quy định về bố trí nơi làm việc, các điều kiện về thiết bị, phương tiện hoạt động (Điều 22).Bà Thanh đề nghị nghiên cứu, rà soát các quy định về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để giảm chi ngân sách nhà nước, trên cơ sở huy động nguồn lực của xã hội kết hợp hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để không làm giảm chế độ, chính sách đối với những người đang tham gia Ban bảo vệ dân phố, đội dân phòng và Công an xã bán chuyên trách trước đây; bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, nhất là phù hợp với nội dung Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường biểu quyết Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Quốc hội họp riêng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung trên và dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế./.