Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Không khí nghị trường “nóng” lên với sách giáo khoa mới, thiên tai và các công trình thủy điện

( Cập nhật lúc: 06/11/2020  )
Trong 2 ngày 04 và 05/11/2020, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình với phiên thảo luận tại hội trường (được phát thanh, truyền hình trực tiếp) về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Các vị ĐBQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hầu hết các nước đều tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2 - 3%. Các ĐBQH cho rằng, đạt được kết quả này là do sự chỉ đạo sát sao của Đảng, nỗ lực vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương và nhân dân cả nước và thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là niềm tin của người dân.

Trong ngày 04/11, các vấn đề liên quan đến bộ sách giáo khoa lớp 1 được nhiều vị ĐBQH quan tâm với những quan điểm trái chiều đã làm không khí thảo luận tại nghị trường “nóng” lên. Một số đại biểu cho rằng, việc cả 5 bộ sách giáo khoa đều dính các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về thẩm quyền, về ngữ liệu… cho thấy quy trình thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng. Có đại biểu đề nghị làm rõ sai sót và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai; đề nghị tạm dừng lưu hành các bộ sách giáo khoa lớp 1 để thẩm định, nếu cần thiết thì nên lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục mới để hoàn thiện. Đồng thời, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc, truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo bản quyền tác giả, về quyền xuất bản. Cũng có đại biểu cho rằng việc biên soạn sách giáo khoa là vấn đề lớn, không thể tránh khỏi thiếu sót và phải đánh giá hết sức cẩn trọng, nếu không sẽ gây tâm lý hoài nghi, không tốt cho nền giáo dục.

Trả lời câu hỏi sắp tới đây chúng ta phải làm thế nào, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh quan điểm “dù có một bộ sách giáo khoa hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải tốt, ít nhất bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Đây là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Phó Thủ tướng cũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên - những người có kinh nghiệm dạy trẻ sẽ góp ý, qua đó tiếp tục chắt lọc những ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến nào chưa đúng thì có giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận.

Trong buổi chiều ngày 04 và sáng 05/11, Quốc hội sôi nổi thảo luận về các vấn đề liên quan đến thủy điện, quản lý rừng và thiên tai – Đây là vấn đề thời sự đang được đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Đánh giátác động của thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ đến môi trường, thiên tai, bão lũ... gây ra nhiều thiệt hại về người và của, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước các đại biểu cho rằng bây giờ điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo có rất nhiều tiềm năng để có thể thay thế, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quốc hội đều thống nhất cùng quan điểm là không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển và chúng ta đã từng có kế hoạch đóng cửa rừng thì chúng ta hãy thực hiện đúng phương châm này. Ở góc nhìn khác, có đại biểu đặt vấn đề ngày hôm nay chúng ta mới bàn cái lợi, cái hại của thủy điện nhỏ, nhưng khi đã hết khấu hao, huy động không còn hiệu quả kinh tế thì tất cả những công trình xây dựng ở vùng sâu núi thẳm này sẽ là “quả bom nổ chậm” và nguồn tài lực nào, nhân lực nào để dỡ bỏ? Do đó, ngay từ bây giờ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có chế tài để huy động nguồn lực giải quyết, hài hòa các tác động. Có ý kiến cho rằng mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng của các nhà đầu tư. "Nói về thủy điện thì các nhà chuyên mộn phải nghĩ đến thủy công, điều tiết dòng chảy để tránh thiệt hại cho nhân dân. Nhưng một số chủ đầu tư lạm dụng quy trình ấy để trục lợi thông qua phá rừng, lấy gỗ quý”.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, những câu chuyện tác động đến dòng chảy, tác động đến cấu trúc địa chất trong khu vực, cũng như đời sống của nhân dân là thực tế. Giai đoạn trước, nhiều dự án thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên, gây ra những ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, chức năng của rừng trong phòng, chống lũ bão, cũng như tác động đến môi trường. Song thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, đặc biệt là Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát chặt chẽ phát triển thủy điện không cho phép xâm dụng vào rừng tự nhiên, từ năm 2016 Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ngành tuyệt đối không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện nào cho dù là nhỏ và vừa hay lớn nếu có sử dụng đến các diện tích đất rừng tự nhiên nữa. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, trong giai đoạn này, Bộ Công thương đã đưa ra khỏi quy hoạch của các thủy điện hơn 400 dự án, 8 dự án thủy điện bậc thang các lưu vực sông và 213 điểm tiềm năng cho phát triển thủy điện. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo các thống kê, xu hướng cực đoan của thời tiết, khí hậu trên toàn cầu đang tăng lên và khẳng định lũ lụt, thiên tai không phải lỗi do thủy điện, việc điều tiết các hồ chứa trong khu vực nhịp nhàng, chặt chẽ như vừa qua đã làm giảm lũ từ 30 đến 70% cho vùng hạ du. Cùng với đó, các hồ chứa cũng có hiệu quả trong chống hạn.

Một số đại biểu băn khoăn về việc thời gian qua vẫn còn điểm nóng về phá rừng; tình trạng tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp…Số dự án kinh tế chuyển đổi diện tích rừng từ năm 2019 đã giảm 96% nhưng 90% diện tích rừng chuyển đổi là rừng tự nhiên. Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn giải trình cân nhắc kỹ các dự án chuyển đổi rừng phát triển kinh tế, đánh giá tác động trồng rừng thay thế, giải quyết tình trạng di cư tự phát, đẩy nhanh giao đất gắn với giao rừng; đầu tư ngân sách để cảnh báo thiên tai, phát triển rừng, bảo tồn sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng…

Bên cạnh đó, các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp y tế, kinh tế, giáo dục, kinh tế thể thao và du lịch; những “điểm nghẽn” thách thức phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm đang gây nhiều bức xúc và nhiệm vụ giải pháp căn cơ cho các vấn đề này cũng được nhiều vị ĐBQH quan tâm thảo luận tại nghị trường.

Ái Vân, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP