Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn
( Cập nhật lúc:
09/11/2020
)
Ngày 06/11/2020, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp thứ mười bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo nghị trình, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn trong 2,5 ngày, đây là phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đăng đàn trả lời chất vấn
Mở đầu phiên chất vấn, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII và nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Sau đó, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan.
Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp, việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực giáo dục, việc chậm hát triển mạng thong tin, chất lượng phát triển rừng, vấn đề lao động và việc làm…
Trả lời câu hỏi tại sao chất lượng rừng của Việt Nam thấp hơn so với các nước lân cận, nguyên nhân là gì? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tỷ lệ che phủ rừng của Lào hiện nay là 58%, của Campuchia là 47%, trong khi của chúng ta ít hơn, xấp xỉ 42%. Chính vì thế, “tới đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân đều phải có trách nhiệm, cố gắng cao nhất với hai loại rừng là rừng tự nhiên và rừng trồng”.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Về nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, với hai nước Lào và Campuchia, diện tích tự nhiên bình quân chia đầu người về tài nguyên đất lớn hơn so với nước ta. Lào chủ yếu là rừng, có hơn 5 triệu dân, tới 18 triệu ha đất tự nhiên. Cho nên, diện tích rừng của họ chủ yếu là rừng tự nhiên. Rừng chúng ta là rừng tự nhiên, 10,3 triệu ha được phục hồi, năm 1990, lúc đó chúng ta mới có 9 triệu ha. Đến bây giờ, chất lượng chưa bảo đảm là có tính chất lịch sử như vậy. “Đương nhiên, cũng có trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước”. Thừa nhận điều này, Bộ trưởng cho rằng, “phải tăng cường, kể cả các nhóm giải pháp, để nếu thuộc nguyên nhân về quản lý, thì tất cả các cấp phải tập trung, còn nguyên nhân về rừng, chúng ta mới có 30 năm để phục hồi, thì phải bằng cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân tăng cường công tác chăm lo bảo vệ rừng sớm”.
Quan tâm đến kết quả thi hành án, bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đặt câu hỏi: Trong thực trạng tỷ lệ thi hành án thấp, có nguyên nhân từ bộ không và trách nhiệm của bộ trưởng?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tư pháp nêu 02 vấn đề: Một là, trước thực tế hiện nay hệ thống thông tin thị trường lao động thiếu sự liên thông giữa các tỉnh, các vùng, chưa gắn kết chặt chẽ giữa trung tâm với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm và đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân. Hai là, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp của thanh niên vẫn chưa đáp ứng yêu được sự phát triển và yêu cầu của thị trường lao động?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng thời gian qua nền kinh tế trong nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 nên ảnh hưởng đến việc làm cảu người lao động. Trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế và phát triển doanh nghiệp là chìa khóa tháo gỡ vấn đề; cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng cường công nghệ kết nối giữa doanh nghiệp và các trung tâm, và Chính phủ đã giao Bộ xây dựng Đề án về lao động và việc làm trình CP đầu năm 2021. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng quản trị nhân lực; doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực và có kế hoạch đi trước, đón đầu; đào tạo theo đầu ra, theo đơn đặt hàng; tăng cường kết nối cung – cầu lao động.
Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên, cùng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời câu hỏi đại biểu nêu liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Quốc hội vẫn tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn trong các ngày 10 và 11/11/2020./.