Quốc hội họp phiên toàn thể mở đầu đợt hai của Kỳ họp thứ 10
( Cập nhật lúc:
03/11/2020
)
Sáng ngày 02/11/2020, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường mở đầu đợt hai của Kỳ họp.
Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
thảo luận Tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận và dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, Quốc hội thảo luận tổ về các nội dung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Tại Kỳ họp này Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận Tổ cùng các Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, Lào Cai, Hà Tĩnh.
Tham gia thảo luận, bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ sự đồng tình với việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại các quy hoạch thủy điện, đặc biệt là các công trình thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền cấp phép theo phân cấp. Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, Bà đánh giá cao việc Chính phủ có kế hoạch phân vùng là một trong những giải pháp để đầu tư phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm tới vùng miền núi nơi có rừng đầu nguồn để đầu tư các nguồn lực hỗ trợ cho các vùng này. Tuy nhiên, theo Quyết định 26/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đối với các tỉnh có diện tích che phủ rừng trên 50% mới được tính 2 điểm là rất thấp, không đủ nguồn lực để các địa phương giữ rừng và để người dân ở các khu vực này yên tâm bảo vệ rừng, phát triển rừng. Đại biểu Thanh cho rằng cần phải nhìn nhận đúng vai trò của bảo vệ và phát triển rừng trong việc phòng chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở và đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh tiêu chí phân bổ nguồn lực đầu tư trong kế hoạch tài chính công trung hạn đoạn 2021 – 2025 tương xứng cho các tỉnh có tỷ lệ diện tích che phủ rừng cao.
Về việc sắp xếp chức bộ máy, tinh giản biên chế, đại biểu Phương Thị Thanh cho biết qua giám sát tại địa phương và làm việc với UBND tỉnh cho thấy việc các địa phương thực hiện chủ trương sắp xếp chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là đúng. Tuy nhiên, nếu các địa phương thực hiện đồng bộ như nhau (đến cuối năm 2021 đều cắt giảm 10% biên chế) thì không phù hợp, vì đối với các địa phương năm 2015 đã đạt mức biên chế tối thiểu nếu tiếp tục cắt giảm sẽ không đủ biên chế để thực hiện nhiệm vụ. Điển hình như ngành giáo dục tỉnh Bắc Kạn nếu cắt giảm 10% biên chế (tương đương 1.000 giáo viên) thì không thể duy trì điều kiện dạy học cho các điểm trường trong điều kiện địa bàn rộng, dân cư thưa. Do đó, bà đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc thêm việc thực hiện chủ trương này cho phù hợp.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP thời gian qua cho thấy các quy định đang gây khó khăn về kinh phí cho hoạt động của Mặt trật Tổ quốc và một số đoàn thể vì đoàn phí, hội phí của các đoàn thể này quá hạn hẹp không đủ chi trả các hoạt động, hoặc việc đưa công an chính quy về xã là đúng nhưng nếu quy định biên chế chung cho các địa bàn là chưa phù hợp giữa địa bàn có an ninh tốt và địa bàn có an ninh phức tạp. Do đó, đề nghị Chính phủ nên giao địa phương chủ động sắp xếp biên chế những vị trí này phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Về Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội, đại biểu Phương Thị Thanh nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tiếp tục thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới và CTMTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQG xây dựng nông thôn mới và CTMTQG giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 và trước khi trình Quốc hội chủ trương đầu tư yêu cầu Chính phủ phải tiến hành đánh giá tổng thể 21 chương trình hỗ trợ có mục tiêu đang thực hiện vì hiện nay có những chương trình có nội dung trùng lặp với nội dung của các CTMTQG giai đoạn tiếp theo để có cơ sở dự kiến nguồn lực đảm bảo thực hiện các chương trình trong giai đoạn tới.