Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cần tăng cường các quy định “phòng hơn chống”

( Cập nhật lúc: 03/11/2020  )

Chiều 02/11/2020, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Quốc hội thảo luận Tổ về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tư pháp thảo luận Tổ

Thảo luận cùng Tổ với Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Lào Cai, Hà Tĩnh, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị bỏ cụm từ “rủ rê, dụ dỗ” trong khoản 4 Điều 4 dự thảo Luật quy định nghiêm cấm hành vi: “Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy” để tránh trùng lặp về nội dung, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 258 Bộ Luật hình sự vì Khoản 1 Điều 258 Bộ Luật hình sự mô tả về hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy là “Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy…”. Theo quy định này, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng dự thảo luật mới chỉ đề cập đến mục đích, thời hạn, trách nhiệm quản lý, các trường hợp dừng quản lý, nhưng chưa quy định về cơ sở thực hiện quản lý, do đó bà đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào dự thảo luật cơ sở thực hiện việc quản lý người nghiện chất ma túy như kết quả xét nghiệm ma túy của cơ quan có thẩm quyền hay quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính… để xác định thời điểm bắt đầu quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời đề nghị bổ sung các quy định làm cơ sở thực hiện hiệu quả mục tiêu ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của người nghiện chất ma túy trên thực tế; đề nghị cân nhắc, điều chỉnh quy định về trách nhiệm của gia đình trong việc ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội theo hướng: Có trách nhiệm ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận

Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị bổ sung vào  khoản 6 Điều 24 việc dừng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc trục xuất và trường hợp trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy bị chết.

Cũng trong phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng dự thảo Luật nên chú trọng hơn nữa các quy định về phòng ngừa các hành vi vi phạm để đạt được mục đích “phòng hơn chống” để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời cần bổ sung thêm quy định về công tác kiểm tra, giám sát việc phòng chống ma túy để đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Ban soạn thảo làm rõ sự khác nhau về thời hạn quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trên 16 tuổi và dưới 16 tuổi.

Theo Chương trình kỳ họp, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể ngày 12/11/2020./.

Ái Vân, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP