Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh

( Cập nhật lúc: 25/09/2024  )

Trên địa bàn tỉnh có tổng số 244 công trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích là 746,06 ha. Các chủ đầu tư đề nghị trồng rừng thay thế thông qua hình thức nộp tiền trồng rừng thay thế với tổng diện tích phải nộp tiền là 873,6 ha, tương ứng với số tiền phải nộp gần 75 tỷ đồng.


Tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) là một trong những dự án thực hiện chính sách trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh được các chủ đầu tư triển khai thực hiện, chăm sóc và bảo vệ theo đúng quy định, phần lớn diện tích rừng trồng thay thế đang trong giai đoạn đầu tư, nhìn chung cây trồng sinh trưởng, phát triển khá tốt, đảm bảo mật độ theo quy định, tỷ lệ cây sống khá cao, có khả năng thành rừng sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư sẽ góp phần bù lại diện tích rừng đã mất do chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng các công trình, dự án, tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, đồng thời tạo sinh kế bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho người dân khu vực thực hiện trồng rừng thay thế. Kết quả lũy kế từ năm 2014 đến hết tháng 6/2024, diện tích trồng rừng thay thế đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư là 422,979 ha, số tiền trồng rừng thay thế đã được phân bổ là 19.590.965.407 đồng. Diện tích các đơn vị chủ đầu tư đã tổ chức trồng rừng thay thế là 187,637 ha.

Tuy nhiên, việc trồng rừng thay thế khi thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh đạt thấp; số tiền trồng rừng thay thế tại Quỹ Phát triển đất, rừng và bảo vệ môi trường tỉnh chưa giải ngân triệt để (còn tồn trên 23,6 tỷ đồng) tương đương với 348,13 ha phải trồng rừng thay thế; nhiều chủ dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền theo phương án được chấp thuận (27/244 công trình, dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế, còn nợ 29,8 tỷ). Nguyên nhân là do chưa có chế tài xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng nên nhiều chủ dự án chấp hành chưa nghiêm; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo thẩm quyền; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên... 

  Để thực hiện nghiêm quy định pháp luật về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 18/9/2024 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tập trung thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn. Xác định công tác trồng rừng để bù đắp diện tích đã chuyển sang mục đích khác là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và duy trì tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh.

2. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác trồng rừng thay thế khi thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; gắn nhiệm vụ trồng rừng thay thế tại địa phương có công trình, dự án và chỉ đề xuất trồng rừng thay thế tại các địa phương khác khi không có quỹ đất hoặc còn quỹ đất nhưng điều kiện lập địa không phù hợp.

3. Tổ chức rà soát các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trồng rừng thay thế theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật hiện hành. Đôn đốc chủ dự án chấp hành nghiêm phương án trồng rừng và các quy định liên quan; thực hiện đồng bộ việc chuyển mục đích sử dụng rừng với việc chuyển mục đích sử dụng đất; kiên quyết không giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa thực hiện trồng rừng hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng theo quy định.

4. Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, cập nhật hiện trạng, phân loại 3 loại rừng phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030; tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc rà soát diện tích đất chưa sử dụng (đất trống) thuộc quy hoạch lâm nghiệp đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác để phục vụ trồng rừng thay thế.

5. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn. Kịp thời động viên khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện trồng rừng thay thế; nghiêm túc phê bình, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân là người đứng đầu địa phương còn diện tích đất trống nhưng không triển khai trồng rừng thay thế. Xử lý nghiêm các chủ dự án chậm trồng rừng thay thế hoặc đơn vị được giao là chủ đầu tư trồng rừng thay thế nhưng không thành rừng do chủ quan.

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tăng cường tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

6.2. Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này.

6.3. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa thực hiện nội dung của Chỉ thị này, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định./.

Hoàng Minh Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP