Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

( Cập nhật lúc: 05/11/2024  )

Sáng 05/11/2024, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo chương trình, nửa đầu phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận về về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch dầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước. Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cùng theo dõi.

Quang cảnh phiên họp

Thảo luận ở hội trường về nội dung này, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc thu ngân sách nhà nước, các chỉ số thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm có tăng trưởng khá tốt, tình hình thu ngân sách tăng so với dự toán, đảm bảo thu ngân sách bền vững, làm cơ sở để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm một số nội dung như: Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Đồng thời tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng; liên quan đến đề xuất của Chính phủ cho phép dành 5% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thêm vấn đề này, vì thực tế các địa phương đã xây dựng dự toán từ đầu năm, nhiều địa phương đã giải ngân xong và đến 13/11/2024 Quốc hội mới thông qua Nghị quyết này thì các địa phương có thực hiện được hay không?...

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2024; đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước; cần tăng cường vai trò chủ đạo của Ngân sách trung ương; có giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; kiểm soát chặt chẽ bội chi nợ công trong điều kiện phải tăng quy mô nợ để thực hiện các dự án công trình trọng điểm; tập trung các giải pháp quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước; kịp thời phân bổ, giao vốn đầu tư công năm 2025 quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành.

Đây là dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 01 kỳ họp. Đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật và đánh giá cao các quy định đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Theo chương trình, dự án Luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp này./.

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP