Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính phủ cần tiếp tục có chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để phát triển nhà ở thương mại

( Cập nhật lúc: 28/10/2024  )

Sáng 28/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 với phiên thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Đầu phiên thảo luận, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, các đại biểu đã xem videoclip về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2015 - 2023 có khoảng hơn 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 111.910.490 m2 (trong đó: tổng số bất động sản đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng hơn 26.759.321 sản phẩm; tổng số bất động sản đang triển khai, chậm tiến độ hơn 11.404.332 sản phẩm); có 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700 ha; có 347 dự án bất động sản được chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội còn bộ lộ những tồn tại, hạn chế như: Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung, thiếu cụ thể, chi tiết, không thống nhất trong cách hiểu và trong quá trình tổ chức thực hiện, một số vấn đề chưa được pháp luật quy định dẫn đến lúng túng, vướng mắc khi triển khai; Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030) chưa đạt yêu cầu; các hình thức phát triển nhà ở xã hội chưa phát triển hài hòa, mới tập trung vào các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nên việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội còn bị động; quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế; việc bố trí vốn, huy động vốn phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu thảo luận

Thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã rất quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị, nhiều cuộc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Liên quan đến giá bất động sản tại một số thành phố lớn tăng cao trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.

Đại biểu nêu rõ, tại buổi họp báo ngày 17/10 vừa qua, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua là vô lý và bất thường. Từ đầu năm đến nay, giá đất bất động sản, giá nhà đất liên tục tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ chung cư đến nhà liền kề, biệt thự…, không chỉ ở các khu vực trung tâm mà sức nóng đang lan dần sang các thị trường quận, huyện vùng ven đô. Đại biểu cho biết, không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng còn lan sang các quận, huyện vùng ven đô, nhất là sự tăng giá đột biến ở các chung cư (cả chung cư mới và cũ), tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời gian trước đây. Bên cạnh đó, còn nóng lên câu chuyện đấu giá đất ở một số huyện ven đô, lên tới hơn 100 triệu/m2, tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng và liên tục thiết lập mặt bằng mới, vượt xa thu nhập của đại bộ phận người dân. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng, tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua. Một số nhà đầu tư thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi. Nguyên nhân thứ ba là do tồn tại tâm lý của một bộ phận người dân mua nhà đất để chờ tăng giá và thực tiễn này có xu hướng ngày càng tăng cao. Dẫn đến, hiện đang thiếu trầm trọng nguồn cung cho người thu nhập thấp…

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại để phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay và nếu như thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án này. Cùng với đó, kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua.

Phiên thảo luận được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP