Đã có hướng dẫn tổ chức đấu thầu bữa ăn học đường cho học sinh
( Cập nhật lúc:
29/10/2024
)
Trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận được nhiều kiến nghị của cử tri là phụ huynh học sinh và lãnh đạo các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh về tình trạng các trường không tổ chức cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh do vướng mắc trong việc tổ chức đấu thầu cung cấp thực phẩm, bữa ăn bán trú tại các trường học.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, tại cuộc làm việc trước Kỳ họp thứ 8 với Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và các sở, ngành địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm có giải pháp giải quyết vướng mắc trên.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành giáo dục, đào tạo tỉnh trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã ban hành Văn bản số 2153/KH&ĐT-KTN 25/10 hướng dẫn một số nội dung thực hiện việc tổ chức bữa ăn học đường từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Theo đó, việc tổ chức đấu thầu bữa ăn học đường từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn thu hợp pháp tại các cơ sở giáo dục gồm 04 bước, đó là: Lập, thẩm định và phê duyệt dự toán mua sắm; đăng ký, sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và đăng tải thông tin; lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu. Cụ thể:
Đối với gói thầu không quá 50 triệu đồng: Thực hiện theo quy trình quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Đấu thầu, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật;
Đối với gói thầu trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng: Hình thức lựa chọn nhà thầu có thể áp dụng hình thức Chỉ định thầu theo quy trình rút gọn hoặc Tự thực hiện (khi các cơ sở giáo dục đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2023).
Đối với gói thầu trên 100 triệu đồng và không quá 05 tỷ đồng: Hình thức lựa chọn nhà thầu có thể áp dụng hình thức Chào hàng cạnh tranh, Tự thực hiện (khi các cơ sở giáo dục đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2023) hoặc Đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng.
Đối với gói thầu trên 05 tỷ đồng: Hình thức lựa chọn nhà thầu có thể áp dụng hình thức Tự thực hiện (khi các cơ sở giáo dục đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2023) hoặc Đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng.
Ngoài các hình thức trên, các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn các hình thức lựa chọn nhà thầu khác theo quy định của Luật Đấu thầu.
Về tổ chức lựa chọn nhà thầu, sau khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu theo quy định, tương ứng với các hình thức lựa chọn đã được phê duyệt tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu sẽ có các quy trình lựa chọn được quy định cụ thể trong Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn.
Trường hợp chủ đầu tư không có năng lực hoặc chưa có kinh nghiệm thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu thì có thể thuê đơn vị tư vấn để thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy trình quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Đấu thầu. Về nguồn kinh phí thuê đơn vị tư vấn đấu thầu thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tài chính tại Văn bản số 2029/STC-QLCS ngày 24/9/2024./.