Chiều 26/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận Tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024 và các nội dung quan trọng khác.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì, điều hành Tổ thảo luận số 12
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì, điều hành Tổ thảo luận số 12.
Tham dự phiên thảo luận Tổ có đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư BCH trung ương Đảng cộng sản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH 4 tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Bình.
Tiếp theo chương trình làm việc buổi sáng, trong phiên họp buổi chiều các đại biểu tiếp tục thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) và thảo luận về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận Tổ
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, các đại biểu đồng tình và đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được trong 9 tháng năm 2024. Bên cạnh đó, các đại biểu góp ý một số nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Nhìn từ kết quả phòng, chống thiên tai do cơn bão Yagi vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo từ rất sớm của Bộ Chính trị và Chính phủ, đồng thời kiến nghị Chính phủ và Ủy ban MTTQ Việt Nam nghiên cứu thêm một số giải pháp hỗ trợ các tổ chức thiện nguyện thực hiện việc cứu trợ kịp thời, hiệu quả hơn người dân ở các địa phương khắc phục hậu quả sau bão.
Góp ý vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy quan tâm đến các chính sách phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 5, Điều 24). Tuy nhiên, những nội dung quy định này còn khá chung chung, chưa có chính sách cụ thể để phát triển điện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để người dân vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sớm được hưởng văn minh từ điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật còn nhiều nội dung quy định giao cho các tỉnh tự cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách phát triển điện là chưa phù hợp, trong khi các tỉnh miền núi ngân sách hạn hẹp khó có thể tự cân đối để triển khai các chính sách này. Đồng thời, đại biểu đề nghị trong các quy định về sử dụng tiết kiệm điện cần quy định rõ trách nhiệm và chế tài để có chuyển biến rõ nét hơn, đạt mục tiêu tiết kiệm điện ở nơi công cộng và công sở.
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhìn lại năm 2024 chúng ta nỗ lực rất lớn, nhìn cả nhiệm kỳ thì đây là năm phát triển nhất, thành tựu cao nhất. Chúng ta ngày càng có kinh nghiệm, hướng vào sản xuất, kinh doanh với những con số rất đáng mừng, nhưng nhìn vào thực chất cũng còn những vấn đề rất lo, do đó phải nhìn vào những mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Kết quả tăng trưởng, dự trữ ngoại tệ và các số liệu vừa qua là tốt, nhưng nếu mọi nguồn lực được sử dụng tốt hơn thì kết quả sẽ còn cao hơn. Phát triển kinh tế - xã hội phải bền vững, thành quả phải đến tận tay người dân, nâng cao được mức sống của người dân. “Mục tiêu phải toàn diện, chăm lo đời sống của người dân, không ai bị bắt nạt, không ai bị đe dọa thế mới là hạnh phúc. Phát triển hài hòa, phát triển cân bằng, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường là quan trọng”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Về vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, Tổng Bí thư yêu cầu phải được quan tâm từ cơ sở. Qua thực hiện sổ sức khỏe điện tử thống kê, nắm rõ được một khu vực có bao nhiêu người có bệnh gì, từ đó mới tính toán cần bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu bệnh viện, nguồn lực đầu tư, dự trù thuốc... Mỗi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngay từ lúc còn khỏe đã được chăm sóc rồi - chăm sóc sức khỏe toàn dân phải như thế. Với giáo dục, có nơi khó khăn, có trường mà không có lớp, có trò mà không có thầy. Chúng ta xác định phổ cập cấp hai, cấp ba là phải đủ trường lớp, thầy cô. Trách nhiệm đó là của các cấp ủy, chính quyền địa phương, chứ không phải chỉ riêng ngành giáo dục hay y tế.
Tổng Bí thư chỉ rõ, vấn đề chống lãng phí đang là việc người dân rất bức xúc. Có những dự án, bệnh viện Nhà nước bỏ hàng chục nghìn tỷ ra xây dựng gần chục năm rồi mà mãi không sử dụng là lãng phí. Dự trữ ngoại tệ chưa bao giờ có trên trăm tỉ mà bao nhiêu công trình dự án lại phải đi vay nước ngoài, lãi suất rất cao. Đây là tài sản của nhà nước, là tiền của nhân dân, vướng chỗ nào thì tháo gỡ đi, phải có người chịu trách nhiệm.
Đề cập câu chuyện có tiền mà không tiêu được, Tổng Bí thư nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm nay chưa được 50%, chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm thì có giải ngân được hết không? Chương trình mục tiêu quốc gia quyết định rồi nhưng bây giờ lại nói vướng cái nọ, vướng cái kia thì là do ai? Tất cả đều do mình cả, phải phối hợp, không đổ cho nhau hay chờ đợi nhau được, chờ đợi là mất cơ hội, phải tìm cách trả lời cho dân - Tổng Bí thư yêu cầu.
Về dự án Luật Luật Điện lực (sửa đổi), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh hạ tầng năng lượng là một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, đột phá đối với sự phá triển kinh tế - xã hội. Tính đủ điện là yêu cầu rất quan trọng, song cũng phải tính điện sạch vì Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Chính vì vậy, phải tính toán từ quy hoạch, phát triển cho đến điều hòa, cân đối các nguồn năng lượng và đảm bảo năng lượng sạch.
Tổng Bí thư cho biết, có những tỉnh không sản xuất điện nhưng tiêu thụ điện lớn, nhưng có những địa phương sản xuất được điện nhưng người dân chưa được dùng diện. Do đó, Chính phủ, Nhà nước cần làm tốt nhiệm vụ điều hòa điện giữa các vùng, miền trong cả nước./.