Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

( Cập nhật lúc: 28/10/2024  )

Ngày 25/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Quang cảnh phiên thảo luận góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. 

Trong phiên họp buổi sáng, đã có 23 lượt đại biểu tham gia thảo luận, góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Các ý kiến tập trung góp ý vào các quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm làm rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; các quy định về nội dung quy hoạch chung được cụ thể hóa tại quy hoạch phân khu, các nội dung tại quy hoạch phân khu được cụ thể hóa tại quy hoạch chi tiết; các nguyên tắc, nguồn lực thực hiện quy hoạch…

Một số đại biểu đề nghị làm rõ các khái niệm: “khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị”, "khu chuyển đổi chức năng", "khu hạn chế phát triển", "khu phát triển mới", "khu dự trữ phát triển", đồng thời xác định các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị để có hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện và biện pháp quản lý để bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình áp dụng Luật; đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ cơ chế tiếp nhận, xử lý phản hồi lại cho cộng đồng khi lấy ý kiến của cộng đồng về quy hoạch ; đề nghị bổ sung quy định về việc tổ chức các buổi đối thoại công khai giữa các cơ quan chức năng và người dân trong trường hợp có tranh chấp hoặc bất đồng ý kiến về quy hoạch để đảm bảo minh bạch và đồng thuận, thuận lợi hơn trong quá trình triển khai quy hoạch. 

Có ý kiến đề nghị quy định không lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xã cần phải lập quy hoạch chung là chưa phù hợp vì quy hoạch chung huyện có thể tích hợp các nội dung định hướng phát triển xã trong huyện, không cần thiết phải lập quy hoạch chung cấp xã mà tích hợp quy hoạch chung cấp xã trong quy hoạch chung cấp tỉnh.

Trong chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trình Kỳ họp này gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Các ý kiến thảo luận xoay quanh các quy định về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau như công chứng bản dịch, mô hình tổ chức của Văn phòng Công chứng, công chứng điện tử, nhất là Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh; đề nghị xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật; đề xuất giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người; bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử để bảo đảm kiểm soát việc thực thi lộ trình công chứng điện tử do Chính phủ quy định đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch được công chứng, tương xứng với giá trị pháp lý của văn bản công chứng là có giá trị chứng cứ theo quy định; về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản; thủ tục công chứng giao dịch; về cơ sở dữ liệu công chứng…

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP