Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận tổ về một số dự án Luật

( Cập nhật lúc: 10/06/2024  )

Ngày 08/6/2024, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về một số dự án Luật được trình cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp: Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

 

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Duy Chinh đề nghị phân cấp mạnh cho địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Tổ thảo luận số 03 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Nghệ An.

Tham gia thảo luận góp ý đối với các dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cơ bản đồng tình với các nội dung quy định của dự thảo Luật và góp ý đối với một số nội dung cụ thể.

Đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tán thành với nhiều nội dung được thể hiện trong dự thảo Luật như phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật; về 12 biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 36; về việc mở rộng các trường hợp người chưa thành niên được áp dụng xử lý chuyển hướng; về biện pháp xử lý chuyển hướng “Giáo dục tại Trường giáo dưỡng; về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên; về mức hình phạt tù và tổng hợp hình phạt tù; biện pháp ngăn chặn (giám sát điện tử và giám sát tại nhà)…

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần xem xét, nghiên cứu bổ sung một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật: Liên quan đến hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng nội dung cụ thể trong 04 loại hình phạt nêu trên để bảo đảm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về xử lý nhân văn hơn với người chưa thành niên; về biện pháp ngăn chặn, đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc thực hiện biện pháp giám sát điện tử (giống như Bộ luật Tố tụng hình sự giao Chính phủ quy định chi tiết việc ghi âm, ghi hình hỏi cung bị can); liên quan đến quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng, đề nghị quy định hiệu lực thi hành đối với nội dung này muộn hơn (có thể 03 năm sau khi Quốc hội thông qua) để chuẩn bị các điều kiện về đất đai, xây dựng trại, bố trí cơ sở vật chất của trại giam; về rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên phạm tội, đề nghị cân nhắc rút ngắn hơn nữa thời hạn điều tra, truy tố, xét xử và tạm giam NCTN để bảo đảm nguyên tắc của Công ước quốc tế về quyền trẻ em “Vì lợi ích tốt nhất của NCTN” và hạn chế những tác động tiêu cực từ các thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN do thời hạn điều tra, truy tố, xét xử và tạm giam quá dài như hiện nay; về sự tham gia của “Người làm công tác xã hội” trong hoạt động tư pháp NCTN, cần quy định rõ hơn trong dự thảo về những chế độ, chính sách mà “Người làm công tác xã hội” được hưởng khi tham gia hoạt động tư pháp NCTN, bổ sung quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ hướng dẫn chế độ, chính sách với họ; về tách vụ án hình sự, đại biểu cho rằng phải tách vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết riêng cho phù hợp, đảm bảo rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án và thực hiện được yêu cầu đặt ra về tiêu chuẩn của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi giải quyết vụ án có NCTN.

Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại Tổ

Quan tâm đến dự thảo Luật, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Duy Chinh cũng thể hiện quan điểm đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật; việc tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội; về biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội, đề nghị cần được thực hiện ở giai đoạn càng sớm sẽ càng tốt, nhất là ở giai đoạn điều tra.

Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Duy Chinh đề nghị rà soát và lựa chọn các nội dung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đối với những vấn đề cần thực hiện ngay, trong đó cần quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy, giữ gìn các di tích lịch sử; đồng thời, đề nghị cần phân cấp mạnh cho địa phương trong tổ chức thực hiện chương trình, còn trung ương tập trung xây dựng tiêu chí, nguyên tắc để thực hiện.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng thể hiện quan điểm cần quan tâm xây dựng, khôi phục lại các di tích lịch sử vùng ATK; về đối ứng nguồn vốn thực hiện, theo đại biểu, đối với các địa phương còn khó khăn, đề nghị xem xét thực hiện theo hướng ngân sách địa phương đối ứng 5% và ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện 95%.

Đối với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh quan tâm việc bố trí thời gian làm công tác công đoàn của giáo viên ở các trường học cần có phụ cấp phù hợp hoặc bố trí thời gian công việc công đoàn phù hợp…

Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len và thảo luận tại hội trường về nội dung này; buổi chiều, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP