Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận hội trường về phê phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và dự thảo Nghị quyết đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng

( Cập nhật lúc: 07/06/2024  )

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 07/6/2024, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).

Trong phiên thảo luận đã có 04 đại biểu phát biểu và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá công tác quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực so với các năm trước, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức ở trong và ngoài nước nhưng thu ngân sách vượt 28,8% so với dự toán, chi ngân sách cơ bản đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước, chi thường xuyên bằng 59% tổng chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao, nợ công trong giới hạn cho phép, kỷ luật thu, chi ngân sách từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ khắc phục tình trạng lập, gửi báo cáo quyết toán chậm; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách như: ước thực hiện thu, chi và lập dự toán không sát, hủy bỏ dự toán, chuyển nguồn cuối năm lớn có xu hướng tăng, vẫn còn tình trạng tính thiếu thuế, phí phải nộp. Giải ngân vốn đầu tư công và nợ đọng xây dựng cơ bản còn nhiều ở khối cấp địa phương, vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia chậm. Còn tình trạng sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí, chi sai quy định, còn những khoản tạm ứng quá hạn, ứng trước dự toán chưa thu hồi. Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân vi phạm; đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu lực quản lý quyết toán ngân sách Nhà nước; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước, bội chi nợ công; tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước…

Kết luận nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu phát biểu tại Hội trường và các ý kiến thảo luận tại Tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết được đề xuất sửa đổi, bổ sung theo 02 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể, trong đó nhóm chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng gồm 09 chính sách (07 chính sách tương tự các địa phương đã được áp dụng và 02 chính sách đề xuất mới); nhóm chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất gồm 21 chính sách (Trong đó có 06 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung và 5 chính sách đề xuất mới).

Qua thảo luận cơ bản các ý kiến đồng tình với nội dung dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần xem xét một số nội dung của dự thảo Nghị quyết để đảm bảo các chính sách được thực hiện có hiệu quả, nhất là liên quan đến việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do ở Đà Nẵng, theo đại biểu cần có cơ chế giám sát đặc biệt để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời cần có các chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài khi thực hiện thí điểm chính sách này; đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, nghiên cứu cho các tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của mình, coi đây là cơ hội để các địa phương phát triển, nhất là đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn…

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP