Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

( Cập nhật lúc: 05/06/2024  )

Chiều 03/6/2024, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành.

Quang cảnh phiên họp

Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành luật, giải quyết những bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi để tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được thể hiện tại Điều 1 của dự thảo Luật.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ với các lý do từ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn đã được cơ quan soạn thảo báo cáo và nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo. Bên cạnh đó, các vấn đề được đại biểu quan tâm cho ý kiến như: Đề nghị xem xét bổ sung hoạt động cảnh vệ ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đề nghị cân nhắc bổ sung chế độ cảnh vệ đối với các chức danh: Nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Nước, Nguyên Chủ tịch Quốc hội, Nguyên Thủ tướng Chính phủ được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết khi đi dự các sự kiện đặc biệt quan trọng trong nước bằng xe ô tô; đề nghị bổ sung thêm nội dung không tùy tiện, lạm dụng thực thi các biện pháp cảnh vệ có thể dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân cho đầy đủ…

Đây là dự thảo Luật được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp. Ttheo chương trình, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại đợt 2 của kỳ họp này.

Trước khi Quốc hội thảo luận nội dung nêu trên, các đại biểu đã được nghe Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này. Theo chương trình, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiến hành thảo luận tại đợt 2 của kỳ họp này/.

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP