Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hồ Thị Kim Ngân tham gia thảo luận về các báo cáo công tác tư pháp tại kỳ họp

( Cập nhật lúc: 21/11/2023  )

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hôm nay (21/11/2023), Quốc hội dành thời gian 01 ngày để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân tham gia thảo luận

Tại phiên họp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân đã tham gia phát biểu góp ý nhiều nội dung liên quan đến các báo cáo nêu trên.

Trang Thông tin điện tử đại biểu dân cử tỉnh Bắc Kạn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu đến quý bạn đọc.

“Kính thưa chủ tọa phiên họp!

Kính thưa Quốc hội!

Trước hết tôi thể hiện sự đồng tình và nhất trí cao với các nội dung đã được đánh giá tại báo cáo của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Cơ bản các báo cáo đã phản ánh, phân tích những thuận lợi, khó khăn, thách thức và những vấn đề mới nảy sinh phải giải quyết, nêu rõ những kết quả đạt được theo chỉ tiêu của Quốc hội giao, những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các báo cáo, theo dõi diễn biến tình hình và từ thực tiễn tại địa phương, tôi xin tham gia góp ý một số nội dung như sau:

Một là: Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm về trật tự xã hội tăng và tăng số người chết, số người bị thương, tăng thiệt hại về tài sản (toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 18%; làm 1.200 người chết, tăng 12,89% và 9.436 người bị thương, tăng 4,76%; thiệt hại tài sản khoảng 13.252 tỷ đồng (tăng 457,98%). Nhóm tội phạm phức tạp trở lại là: Giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em, nhất là tội phạm giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, mâu thuẫn vay nợ, tranh chấp đất đai, tài sản, một số vụ do người tâm thần, người nghiện ma túy gây ra.

Từ những vụ giết người có tính chất tàn bạo, côn đồ vừa qua cho thấy đây là một hiện tượng xã hội đáng lo ngại, cần có nghiên cứu đánh giá sâu hơn về những nguyên nhân làm gia tăng nhóm tội phạm này, tuy nhiên, báo cáo mới chỉ nhấn mạnh nguyên nhân “số vụ phạm tội tăng chủ yếu là do trạng thái xã hội bình thường trở lại hoàn toàn sau dịch Covid-19 với khó khăn về kinh tế - xã hội tác động đến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận nhân dân” (trang 7 Báo cáo của Chính phủ) theo tôi là chưa đầy đủ

Hiện nay với sự phát triển của truyền thông của mạng xã hội, mức độ lan toả thông tin đã biến đổi mạnh mẽ, việc khai thác các tình tiết ly kỳ, chi tiết của từng vụ án nhằm thu hút người xem đã tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, hành vi của người tiếp cận thông tin.

Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu cứu, phân tích đánh giá sâu hơn các nguyên nhân đối với nhóm tội phạm này, trong đó phân tích các nguyên nhân liên quan đến vấn đề về giáo dục, sự ảnh hưởng tiêu cực của bùng nổ thông tin, sai lệch nhận thức cần được phân tích làm rõ và đưa ra giải pháp căn cơ, nhất là giải pháp về giáo dục hình thành, nuôi dưỡng nhân cách đạo đức con người; cách tiếp cận, sàng lọc thông tin; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng… Để từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

Hai là: từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan tại địa phương và qua theo dõi giám sát triển khai thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, một số quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống, xử lý tội phạm chưa phù hợp, đầy đủ cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hiện nay nhiều người dân trở thành nạn nhân bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và ngay khi phát hiện đã trình báo với cơ quan chức năng, tuy nhiên do Luật hiện hành chưa có quy định và chưa có hướng dẫn về việc phong tỏa tài khoản khẩn cấp, cụ thể tại Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Phong tỏa tài sản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cức xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài sản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội”, do đó lực lượng chức năng không có cơ sở để ngăn chặn đối tượng lừa đảo tẩu tán số tiền vừa chiếm đoạn. Điều này gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của cơ quan chức năng và thiệt hại cho người dân.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động: a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; b) Khám nghiệm hiện trường; c) Khám nghiệm tử thi”, không quy định quyền được tiến hành thực nghiệm điều tra. Trên thực tế trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoạt động thực nghiệm điều tra cần thiết phải được tiến hành trong một số trường hợp như tin báo về tai nạn giao thông để có căn cứ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, tuy nhiên do quy định của Luật hiện hành chưa có quy định nên lực lượng chức năng không có cơ sở để thực hiện.

Thứ ba, về bảo quản, xử lý tài liệu, tài sản, đồ vật trong các giai đoạn giải quyết vụ án, vụ việc.

Trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, có những vụ việc số lượng tài liệu, tài sản, đồ vật lớn, giá trị kinh tế cao như tiền, vàng, đá quý, các thiết bị điện tử, phương tiện vận tải, thiết bị năng lượng... cơ quan chức năng phải thu thập để xác minh, theo đó phải bảo quản để không làm hư hỏng, thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, trong giai đoạn này các loại tài liệu, đồ vật, tài sản cơ quan điều tra thu giữ chưa được xem là vật chứng của vụ án do chưa thuộc giai đoạn khởi tố vụ án, do đó theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự tại Điều 90, Điều 106 chỉ quy định về việc bảo quản và xử lý đối với vật chứng, chưa có quy định về việc bảo quản, xử lý tài sản, đồ vật, tài liệu trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm nên các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo quản, lưu giữ các tài sản, đồ vật này, đặc biệt đối với các loại tài sản, đồ vật có giá trị cao nhưng nhanh bị hư hỏng, ảnh hưởng đến giá trị của các loại tài sản.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, việc xử lý đối với các vật chứng chưa được rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau nên chưa có sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, cụ thể:

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc bị tiêu huỷ và điểm c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể xác định những vật chứng nào thuộc loại không có giá trị hoặc không sử dụng được. Và theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy. Nội dung này, cũng chưa có văn bản quy định, hướng dẫn về vật chứng nào là hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản? Cơ quan nào có thẩm quyền xác định. Do đó, việc xác định và xử lý trong các trường hợp này gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, có nhiều loại vật chứng không phải là loại mau hỏng hoặc khó bảo quản, nhưng khi thu giữ với số lượng lớn, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm mất giá trị hoặc phát sinh nhiều chi phí để bảo quản. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi.

Và tôi rất đồng tình với kiến nghị của Chính phủ trong việc bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự về “Bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản, đồ vật tài liệu từ giai đoạn giải quyết nguồn tin và quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự” để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Trên đây là ý kiến tham gia thảo luận về báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan tư pháp về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật 

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội./.”

Triệu Tuyên (Ghi chép tại kỳ họp)
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP