Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cần làm rõ nguyên nhân chậm chi trả tiền khoán bảo vệ rừng

( Cập nhật lúc: 07/11/2023  )

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành 2,5 ngày (từ ngày 6-8/11) để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. 


Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Theo đó, Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn, liên quan tới 21 lĩnh vực. Trong các phiên chất vấn sẽ tiến hành theo nhóm 4 lĩnh vực gồm: Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; Kinh tế ngành; Văn hóa, xã hội; Tư pháp, Nội chính, Kiểm toán Nhà nước

Tại phiên chất vấn đối với các lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT như sau: “Năm 2021 nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại các xã khu vực II, khu vực III, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện (với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ đồng). Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc chậm chi trả và đến bao giờ người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắc Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc và bảo vệ rừng”.

Đại biểu HĐND tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp.

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, về chính sách giao khoán rừng, để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách, chúng ta đang áp dụng với định mức từ 300 đến 400 ngàn đồng. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh định mức này còn thấp. Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp, dự thảo một Nghị định để nâng mức từ 400 lên đến 600 ngàn đồng. Về nhu cầu, theo định mức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phải vào khoảng từ 1,1 đến 1,3 triệu Tuy nhiên, chúng ta cần phải cân đối từ nguồn lực chung. Bộ cũng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng, để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ khoán bảo vệ rừng. Vấn đề này sẽ được báo cáo Quốc hội sau.

Về vấn đề nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng của tỉnh Bắc Kạn cũng như một số tỉnh liên quan tới Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm. Sau khi có chủ trương xây dựng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 vẫn tiến hành cấp ngân sách cho các địa phương vùng 1, vùng 2, vùng 3. Khi có Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc và miền núi, nhưng do việc triển khai chương trình này khởi động sau, nên công tác tổng hợp không kịp thời. Vì vậy, hiện tại đang nợ kinh phí của đồng bào năm 2021. Với trách nhiệm là Thành viên Chính phủ, Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm và phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ cấp bù số kinh phí này.

Tham dự phiên chất vấn tại Kỳ họp này còn có các đại biểu HĐND một số tỉnh, thành phố được Quốc hội mời dự thính. Tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ma Thị Na, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chợ Đồn; Chu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ngân Sơn cùng tham dự.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP