Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

( Cập nhật lúc: 04/11/2023  )

Chiều 02/11, Quốc hội làm việc tại Tổ để thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các ĐBQH Đoàn Bắc Kạn tham gia thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại Tổ thảo luận số 3 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi, cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu đã thảo luận đóng góp nhiều ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) tham gia góp ý vào các quy định tại Điều 37 về Xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đại biểu Thủy cho biết theo Báo cáo của Chính phủ, số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trung bình một năm trong giai đoạn 5 năm trở lại đây là trên 10 nghìn tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi cần chi trả chế độ thai sản, ốm đau… Đại biểu mong muốn việc sửa Luật BHXH làn này có thể tháo gỡ vướng mắc này. Theo đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ và xem xét, sửa đổi các khoản 3, 4, 5, 6 để tránh mâu thuẫn với quy định của Bộ Luật hình sự về quyền khởi tố hình sự, xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH…

Quan tâm đến đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho rằng, tại Điều 20 quy định “Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật” đang mâu thuẫn với quy định về điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại Điều 21 là “đủ 75 tuổi trở lên”, cần phải xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Về quy định mức hưởng trợ cấp, có một số mức hưởng trợ cấp trong dự thảo Luật được quy định với mức tiền cụ thể, ĐBQH Nguyễn Thị Huế đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nghiên cứu sửa đổi cách tính mức hỗ trợ theo hướng căn cứ mức lương cơ sở để xác định tỷ lệ % hưởng trợ cấp để đảm bảo tính ổn định lâu dài của Luật sau khi ban hành, phù hợp với thực tiễn, tránh phải sửa đổi Luật.

Cùng tham gia thảo luận, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu I (ĐBQH Đoàn Bắc Kạn) cho rằng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng quy định tại Khoản 1 Điều 34 bằng 22% mức thu nhập là chưa phù hợp, cần quy định linh hoạt, có độ mở và nên quy định 22%  là mức đóng “tối thiểu”. Góp ý các quy định về điều kiện hưởng lương hưu tại Điều 64 đang được liệt kê chia theo độ tuổi và đối tượng là nam hoặc nữ, đại biểu đề nghị xem xét quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị nghiên cứu kỹ quy định về điều kiện hưởng mức lương hưu hàng tháng. Dự thảo luật đang quy định theo Luật Lao động áp dụng chung cho các đối tượng, tuy nhiên quy định này chưa phù hợp với quy định về tuổi nghỉ hưu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang như công an, bộ đội, dẫn đến thiệt thòi khi tính hưởng lương hưu hằng tháng không đạt mức tối đa (75%) theo quy định. Do đó, cần xem xét, quy định cho phù hợp đối với lực lượng công an, bộ đội là đối tượng lao động đặc thù nặng nhọc, nguy hiểm.

Theo Chương trình kỳ họp, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường vào ngày 23/11.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP