Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định phù hợp chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

( Cập nhật lúc: 06/11/2023  )

Ngày 03/11, tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).


ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) thảo luận góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 6, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã: bỏ 04 điều, bổ sung 06 điều, sửa đổi 229 điều. Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: địa giới đơn vị hành chính, điều tra cơ bản về đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất; các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hoạt động lấn biển; đất sử dụng cho khu kinh tế… Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Tham gia thảo luận, đã có 140 đại biểu đăng ký phát biểu. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát toàn diện dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với quy định của các luật khác có liên quan. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các luật có liên quan, đánh giá tác động kĩ lưỡng, kịp thời để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, đề nghị rà soát bảo đảm sự thống nhất nội tại của dự thảo Luật.

Đặc biệt quan tâm chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) tham gia góp ý vào các quy định liên quan trong Dự thảo Luật.

Đánh giá cao sự nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và ý kiến của nhân dân để hoàn thiện nội dung quan trọng này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, đến thời điểm hiện nay, Dự thảo đã có thêm nhiều điều chỉnh mới đối với đồng bào dân tộc thiểu số và có 5 nội dung rõ hơn so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 như đối tượng được hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ, chính sách hỗ trợ, trách nhiệm thực hiện và về nguồn vốn thực hiện. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện các quy định trên trong Dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy góp ý vào một số nội dung cụ thể như:

Về đối tượng được hỗ trợ: Theo quy định của Dự thảo luật thì cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số tuy thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng ở ngoài Vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không được các hưởng chính sách hỗ trợ tại Điều 16. Trong khi đó, Nghị quyết Trung ương 18 không đặt vấn đề phân biệt địa bàn với đồng bào. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra giải thích rõ hơn vấn đề này.

Về quy định việc thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Điều 48), đại biểu Thủy băn khoăn về tính khả thi của quy định này, vì Dự thảo quy định: người được hỗ trợ đất lần 2 chỉ được để lại thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế mà có hoàn cảnh giống như mình (tức là phải là người đồng bào dân tộc thiểu số phải thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và phải đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất). Lấy một ví dụ từ thực tiễn, trong trường hợp sau khi người được giao đất mất, nếu các thành viên trong gia đình không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 16 thì mảnh đất đã gắn bó cả đời với gia đình họ sẽ bị thu hồi. Việc thu hồi có thể làm phát sinh vấn đề xã hội, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc kỹ hơn.

Bên cạnh đó, việc bồi thường trong trường hợp thu hồi đất, dự thảo quy định trường hợp người sử dụng đất mà đất này có nguồn gốc được hỗ trợ, khi người sử dụng đất chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh đến nơi khác sinh sống thì Nhà nước thu hồi đất và chỉ bồi thường tài sản gắn liền với đất. Theo đó “người sử dụng đất” trong trường hợp này không chỉ là người được Nhà nước trực tiếp hỗ trợ đất, mà còn có thể là người đã nhận chuyển nhượng từ người được Nhà nước hỗ trợ. Và theo Dự thảo thì người này cũng phải là người đồng bào dân tộc thiểu số mới được nhận chuyển nhượng. Như vậy, khi pháp luật đã cho phép việc chuyển nhượng, công nhận quan hệ chuyển nhượng đất, nhưng khi thu hồi đất Nhà nước chỉ bồi thường tài sản gắn liền với đất như Dự thảo Luật là chưa phù hợp.

Góp ý về chủ thể quản lý đối với đất thu hồi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cân nhắc nên giao việc quản lý đất thu hồi để thực hiện dự án bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số cho UBND cấp huyện thay vì giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất như quy định tại dự thảo hiện nay, để công tác quản lý chặt chẽ hơn. Bởi vì, Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài nguyên môi trường, hiện nay biên chế rất ít, khó có thể quản lý hết được các diện tích đất thu hồi (ở bản, ở xã), chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, đi lại khó khăn. Nếu quản lý không chặt chẽ, không thường xuyên, dễ bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích.

Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo luật đã phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP