Đề nghị việc chuyển mục đích sử dụng rừng trong xây dựng các công trình giao thông được áp dụng cơ chế đặc thù
( Cập nhật lúc:
10/11/2023
)
Ngày 09/11, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng.
ĐBQH Đoàn Bắc Kạn thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).
Trong phiên họp sáng tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội thảo luận về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, ĐBQH Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là hết sức cần thiết.
Từ thực tiễn của địa phương, đại biểu Hà Sỹ Huân cho biết, hiện nay tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đang gặp những vướng mắc cần được áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành dự án. Việc được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho phép HĐND tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang thống nhất sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để thực hiện dự án là hết sức cần thiết, đây là cơ chế linh hoạt để hai tỉnh có cơ sở thống nhất phương án bố trí vốn thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, đảm bảo việc giải ngân số vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo liên kết vùng giữa 3 tỉnh Bắc Kạn - Tuyên Quang - Hà Giang và đảm bảo đồng bộ cấp độ đường toàn tuyến. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án, sẽ góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án quan trọng của các bộ, ngành và địa phương, trong đó tỉnh Bắc Kạn sẽ bớt khó khăn trong đầu tư xây dựng tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn do Bộ Giao thông vận tải quản lý sớm được triển khai thi công và hoàn thành dự án theo kế hoạch.
ĐBQH Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đồng tình với quy định phải có Danh mục dự án kèm theo Nghị quyết để phù hợp với nguyên tắc thí điểm là có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể. Đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị đối với các dự án chưa đủ điều kiện thì tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư trình Quốc hội, hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu được Quốc hội ủy quyền xem xét, quyết định trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Mặc dù nội dung “chuyển mục đích sử dụng rừng” không được Chính phủ đưa vào cơ chế đặc thù trong dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, nhưng theo đại biểu Hà Sỹ Huân, hầu hết các địa phương đang thực hiện các dự án đầu tư công có liên quan đến đất rừng, nhất là những dự án có rừng tự nhiên, thì việc chuyển mục định sử dụng rừng đang là rào cản rất lớn, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án… Vì vậy, đại biểu đề nghị trong khi Luật Đất đai đang sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp chưa được Quốc hội thông qua, tại kỳ họp này Quốc hội nên bổ sung nội dung phân cấp việc chuyển mục đích sử dụng rừng cho các địa phương, để tất cả các dự án đã, đang và chuẩn bị triển khai thực hiện được thuận lợi hơn.
Buổi chiều, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội làm việc tại Tổ để thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).
Tham gia thảo luận với vai trò là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đã cung cấp thêm nhiều thông tin cho các đại biểu về các vấn đề Tòa án nhân dân tối cao đang xin ý kiến như: Có hay không có quy định Tòa án nhân dân tối cao thực hiện quyền tư pháp, về điều chỉnh việc thu thập chứng cứ, về Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán, về đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân các cấp…
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy đã góp ý về một số nội dung quan trọng khác trong dự thảo luật như: sự cần thiết của việc bổ sung quy định giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử; về việc bỏ thẩm quyền khởi tố trong xét xử án hình sự là phù hợp với việc phân bố các chức năng trong tố tụng hiện nay. Đồng thời, đại biểu bày tỏ quan điểm tán thành việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, vừa đảm bảo cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và kinh nghiệm quốc tế.
Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Tổ chức Toà án nhân dân, tuy nhiên đề nghị cần rà soát kỹ các nội dung liên quan cho tương thích với các Luật sửa đổi kỳ này.
Đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng quy định về “quyền tư pháp” tại khoản 1 Điều 3 là phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Về quy định cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự tại Điều 15, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng Tòa không thu thập chứng cứ trong các vụ án hình sự là hợp lý, còn đối với các vụ án dân sự cần quy định rõ để xác định người yếu thế trong xã hội và cũng cần có quy định rõ cơ quan nào hướng dẫn, giúp đỡ, phương thức hỗ trợ, phạm vi hỗ trợ người yếu thế trong thu thập chứng cứ... để thuận lợi, thống nhất áp dụng trên thực tiễn.
Về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng quy định như dự thảo có điểm hợp lý, đảm bảo độc lập giữa các cấp xét xử và theo thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân, tuy nhiên đề nghị cần quy định rõ, tách bạch nhiệm vụ của Tòa án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân sơ thẩm, để việc đổi mới là thực chất trong mối quan hệ với các cơ quan tư pháp khác.