Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào chiều 12/5, tại Tổ thảo luận số 11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Vĩnh Long, Sơn La, Long An đã thảo luận tại tổ về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn làm Tổ trưởng chủ trì điều hành thảo luận.
Tham gia thảo luận tại tổ đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu ý kiến liên quan đến việc phân cấp trong hệ thống Tòa án, đại biểu cho biết hiện nay, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng dân sự, thẩm quyền xét xử sơ thẩm chủ yếu thuộc về TAND cấp huyện. Tuy nhiên, trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 60 của Trung ương, hệ thống Tòa án sẽ chỉ còn ba cấp: TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực. TAND cấp huyện sẽ không còn được tổ chức riêng lẻ mà hợp nhất 2-3 đơn vị thành các TAND khu vực. Dự thảo luật lần này đã có bước thay đổi đáng chú ý khi đề xuất 100% vụ án dân sự và hành chính sẽ được xét xử sơ thẩm tại TAND khu vực, thay vì khoảng 90% như hiện nay. Các phiên phúc thẩm sẽ do TAND cấp tỉnh thực hiện, còn giám đốc thẩm thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao. Đại biểu bày tỏ sự đồng tình với định hướng này, cho rằng TAND khu vực có quy mô lớn hơn và đủ năng lực để xử lý khối lượng công việc, trong khi việc bố trí các tòa chuyên trách sẽ nâng cao tính chuyên môn hóa.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại là thủ tục giám đốc thẩm. Theo báo cáo, mỗi năm có khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, nhưng chưa đến 10% có căn cứ xem xét lại vụ án. Điều này không chỉ gây quá tải cho TAND Tối cao mà còn khiến cơ quan này trở thành cấp xét xử thực tế, đi ngược lại vai trò định hướng chính sách của Tòa án cấp cao nhất. Đại biểu cho rằng chỉ tăng biên chế 10 thẩm phán và 10 kiểm sát viên là chưa đủ, giải pháp căn cơ là phải sửa đổi quy trình tiếp nhận và giải quyết đơn giám đốc thẩm, để loại bỏ các đơn không có căn cứ và tránh lãng phí nguồn lực. Theo đó, cần tăng thẩm quyền cho TAND khu vực, hạn chế tình trạng quá tải giám đốc thẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thảo luận tại Tổ
Về nội dung thứ hai, đại biểu chỉ ra những điểm chưa đồng bộ trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đặc biệt, sau đề xuất mới của Bộ Công an ngày 29/4 vừa qua về việc điều tra viên thuộc Công an cấp tỉnh có thể đảm nhiệm vị trí Trưởng hoặc Phó Công an xã và được giao thẩm quyền điều tra như Thủ trưởng cơ quan điều tra đối với các tội ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, dự thảo luật hiện tại vẫn chỉ quy định thẩm quyền cho Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, dẫn đến việc Trưởng/Phó Công an xã không thể thực hiện các nhiệm vụ điều tra cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay không còn tổ chức cơ quan điều tra cấp huyện nữa. Đại biểu đề nghị TAND Tối cao, cơ quan chủ trì xây dựng luật, cần khẩn trương cập nhật nội dung mới này vào dự thảo để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Việc này đặc biệt cần thiết trong tình hình thực tiễn tại nhiều địa phương, nơi địa bàn rộng và giáp ranh giữa các tỉnh, đòi hỏi xử lý nhanh chóng và hiệu quả.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, góp ý một số nội dung: Một trong những điểm mới của quy định của dự thảo Luật là giao UBND cấp xã quyền quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu, thay vì phải được UBND cấp huyện phê chuẩn như trước. Việc phân cấp này được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh đang thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, luật cũng bổ sung quy định: “Trường hợp cần thiết thì do UBND cấp tỉnh điều chỉnh”. Đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng UBND tỉnh chỉ đạo UBND xã chủ động điều chỉnh, thay vì trực tiếp thực hiện, để giảm bớt thủ tục hành chính và đảm bảo tính linh hoạt trong tổ chức. Thực tế cho thấy, UBND xã đã có hệ thống Hội đồng và Ủy ban bầu cử hỗ trợ trong công tác bầu cử theo đúng quy định, có thể thực hiện được nhiệm vụ này một cách chủ động. Do đó, việc giao quyền chủ động cho UBND xã là hoàn toàn khả thi và cần thiết. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức bầu cử, UBND xã, nơi được giao quyền xác định khu vực bỏ phiếu, thường xuyên báo cáo lên UBND tỉnh. Như vậy, về mặt quản lý và giám sát vẫn đảm bảo sự chặt chẽ. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể thế nào là “trường hợp cần thiết” để tránh lúng túng trong quá trình triển khai.

Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại Tổ.
Liên quan đến khoản 4 Điều 66 của dự thảo Luật, về tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND, quy định hiện tại yêu cầu UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh cùng lập báo cáo gửi lên Trung ương. Nhiều đại biểu cho rằng việc này tạo ra áp lực hành chính không cần thiết. Đại biểu đề xuất điều chỉnh theo hướng: Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh báo cáo với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo với Ủy ban bầu cử quốc gia. Tại cấp xã, phường và đặc khu, báo cáo sẽ do UBND và Ủy ban MTTQ cấp xã gửi lên cấp tỉnh. Điều chỉnh này nhằm đảm bảo đúng thẩm quyền, tránh chồng chéo và phù hợp với thực tiễn triển khai tại cơ sở. Đề xuất này được kỳ vọng sẽ góp phần tinh gọn bộ máy tổ chức, giảm bớt thủ tục và nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác bầu cử.
Cùng tham gia thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) nêu ý kiến như sau:
Thứ nhất, liên quan đến Điều 37 của dự thảo luật quy định về các trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đại biểu, hiện nay điều luật này đã quy định 5 trường hợp cụ thể, tuy nhiên còn thiếu một trường hợp cần được bổ sung. Cụ thể, đó là những người đang bị khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực hoặc đang trong quá trình bị cơ quan kiểm tra của Đảng xem xét dấu hiệu vi phạm. Việc bổ sung quy định này là cần thiết để tăng cường tính minh bạch, liêm chính trong đội ngũ ứng cử viên, đồng thời củng cố niềm tin của cử tri đối với quá trình bầu cử.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại Tổ
Thứ hai, về thời gian tổ chức các hội nghị hiệp thương, đại biểu cho rằng mốc thời gian hiện nay chưa thực sự hợp lý. Cụ thể, khoảng cách giữa hiệp thương lần thứ nhất (tối đa 95 ngày trước bầu cử) và lần thứ hai (40 ngày trước bầu cử) là 55 ngày, trong khi đó, khoảng cách giữa lần thứ hai và lần thứ ba (23 ngày trước bầu cử) chỉ là 17 ngày. Điều này dẫn đến thời gian còn lại để hoàn thiện hồ sơ, danh sách ứng cử viên, phiếu bầu và các công việc khác chỉ còn 6 ngày, một quãng thời gian quá ngắn, dễ ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuẩn bị bầu cử.
Đại biểu cho biết, trong kỳ bầu cử năm 2021, khoảng cách giữa các lần hiệp thương được phân bổ hợp lý hơn, đảm bảo khoảng 15 ngày cho việc hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị bầu cử. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh mốc thời gian tổ chức các hội nghị hiệp thương, theo hướng giữ nguyên như quy định hiện hành để đảm bảo tiến độ và chất lượng công tác bầu cử.