Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào chiều 8/5, tại Tổ thảo luận số 11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn và Đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Long, Sơn La, Long An đã thảo luận tại tổ về ba dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; và Luật Thanh tra (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn làm Tổ trưởng chủ trì điều hành thảo luận.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành thảo luận Tổ.
Tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Bắc Kạn) bày tỏ sự tán thành và nhất trí cao với chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức tòa án nhân dân và Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 60 của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy một cách đồng bộ và hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thảo luận tại Tổ.
Đại biểu cho biết, hiện nay hệ thống Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đang tổ chức theo bốn cấp: Tối cao, cấp cao, cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, theo định hướng của Đảng, tổ chức bộ máy sẽ được sắp xếp lại theo mô hình ba cấp: Tối cao, tỉnh và khu vực (thay thế cấp huyện). Theo đó, hệ thống Tòa án và Viện kiểm sát cấp cao sẽ chấm dứt hoạt động; đồng thời, các đơn vị cấp huyện sẽ được sáp nhập thành đơn vị cấp khu vực. Dự kiến, số lượng Tòa án và Viện kiểm sát cấp huyện hiện nay (khoảng 700 đơn vị) sẽ giảm còn khoảng 335 đơn vị. Quy định như vậy là phù hợp với chủ trương của Trung ương, song vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định liên quan khác để bảo đảm việc thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo.
Đối với dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân bổ sung quy định cho phép kiểm sát viên thực hiện thêm các nhiệm vụ khác ngoài hai chức năng hiến định là công tố và kiểm sát. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần cụ thể hóa nội dung này, giống như cách mà Luật tổ chức Tòa án nhân dân đã làm khi quy định rõ các nhiệm vụ cụ thể của thẩm phán. Điều này nhằm bảo đảm tính minh bạch, tránh việc bổ nhiệm kiểm sát viên vào các vị trí không phù hợp với tính chất tư pháp của chức danh này.
Liên quan đến việc nâng ngạch kiểm sát viên, đề nghị giữ nguyên tên gọi các ngạch hiện nay là sơ cấp, trung cấp và cao cấp, không thay đổi nhằm giữ tính ổn định trong hệ thống tư pháp. Đề xuất bỏ hình thức thi nâng ngạch, chỉ tổ chức thi tuyển đầu vào và sau đó áp dụng cơ chế xét chọn để nâng ngạch, giúp đánh giá toàn diện năng lực, quá trình công tác và đạo đức nghề nghiệp của kiểm sát viên.
Về hệ thống các ngạch kiểm sát viên, dự thảo luật đề xuất đổi tên một số ngạch như chuyển "kiểm sát viên trung cấp" thành "kiểm sát viên chính". Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên giữ nguyên tên gọi hiện nay để bảo đảm tính thống nhất với các luật khác trong khối tư pháp như Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hay Luật Thi hành án dân sự, đồng thời tránh phát sinh chi phí thay đổi giấy tờ không cần thiết.
Đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thay vì chỉ quy định chung chung là “nhiệm vụ, quyền hạn khác”. Bên cạnh đó, cần liệt kê cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn tương ứng với từng ngạch kiểm sát viên từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp để đảm bảo kiểm sát viên được phân công đúng với chức danh tư pháp, tránh tình trạng giao nhiệm vụ không phù hợp với chuyên môn, thẩm quyền.
Đại biểu đồng thuận về quy định nhiệm kỳ kiểm sát viên là 5 năm đối với lần bổ nhiệm đầu tiên của kiểm sát viên. Sau nhiệm kỳ đầu, nếu đáp ứng yêu cầu, kiểm sát viên sẽ được bổ nhiệm lại cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển sang công tác khác. Quy định này được đánh giá là phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và đổi mới chế độ nhiệm kỳ đối với các chức danh tư pháp.

Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại Tổ.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận với các nội dung:
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu cho biết tại khoản 6, Điều 1 dự thảo sửa đổi Điều 48, quy định tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân khu vực bao gồm văn phòng và các phòng đối với nơi chưa đủ điều kiện thì có thể thành lập các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc. Tuy nhiên khoản 4 Điều 56 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 hiện nay chưa quy định nội dung này. Trong khi đó, dự thảo lại quy định tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự khu vực chỉ gồm các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc. dẫn đến thiếu thống nhất. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất giữa Viện kiểm sát nhân dân khu vực” và “Viện kiểm sát quân sự khu vực”
Đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), tại điểm c khoản 1 Điều 16 quy định Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các sở. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định này chưa sát với thực tế vì các sở, ngành hiện nay là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý nhà nước, chứ không phải cơ quan trực tiếp thực hiện. Từ đó, đại biểu đề xuất sửa đổi quy định thành: “Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực do các sở, ngành tham mưu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND tỉnh”. Cách diễn đạt này sẽ phản ánh đúng vai trò, chức năng hiện hành của các sở, ngành ở địa phương.
Vấn đề thứ ba được đại biểu đề cập là thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong dự thảo. Hiện dự thảo quy định ba chức danh có thẩm quyền xử phạt gồm: người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thanh tra viên. Tuy nhiên, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì “người ra quyết định thanh tra” lại không có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt. Đại biểu đề nghị cần xem xét quy định thêm thẩm quyền xử phạt hành chính cho Chánh thanh tra, hoặc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các luật.