Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại Tổ về một số dự án luật
( Cập nhật lúc:
12/05/2025
)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào chiều 10/5, tại Tổ thảo luận số 11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Vĩnh Long, Sơn La, Long An đã thảo luận tại tổ về ba dự án luật gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn làm Tổ trưởng chủ trì điều hành thảo luận.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành thảo luận Tổ.
Tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới (Đoàn ĐBQH Bắc Kạn) đề nghị sửa đổi một số nội dung.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu nhấn mạnh ý kiến góp ý tập trung trực tiếp vào từng nội dung cụ thể của dự thảo luật, bắt đầu từ Điều 1 nội dung chính liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung hệ thống quy hoạch. Tại khoản 2 Điều 1, đại biểu chỉ ra rằng tên khoản hiện tại còn thiếu rõ ràng và chưa chính xác. Dự thảo ghi nhận sửa đổi, bổ sung Điều 5 đã được điều chỉnh theo khoản 21 Điều 1 của Luật số 57/2020/QH14, tuy nhiên khi đối chiếu cho thấy khoản 21 chỉ quy định một nội dung duy nhất là bãi bỏ khoản 5 Điều 5 của Luật Quy hoạch, tức là loại bỏ quy hoạch đô thị và nông thôn khỏi hệ thống quy hoạch chung để chuyển sang điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Do đó, việc nêu là “sửa đổi, bổ sung” nhiều nội dung là chưa chính xác và được cho là lỗi kỹ thuật cần điều chỉnh.
Tiếp tục góp ý về khoản 3 Điều 5, đại biểu đề cập đến quy định “cho phép lập đồng thời các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh và có tính chất kỹ thuật chuyên ngành”. Đây là nguyên tắc đã được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết 61/2022/QH15 nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo luật chưa quy định rõ quy trình, thời gian và trách nhiệm cụ thể trong việc “lập đồng thời”, cũng không giao thẩm quyền cụ thể cho Chính phủ. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ và bổ sung nội dung chi tiết vào trong luật để đảm bảo tính khả thi. Liên quan đến việc nhắc lại quy hoạch đô thị và nông thôn trong khoản này, đại biểu cho rằng là không cần thiết, vì Luật số 57/2020/QH14 đã bãi bỏ nội dung này khỏi Luật Quy hoạch. Hơn nữa, theo Điều 3 của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng thể đô thị và nông thôn vẫn thuộc điều chỉnh của Luật Quy hoạch. Do vậy, cần rà soát để tránh mâu thuẫn, đảm bảo tính thống nhất và rõ ràng.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới tham gia thảo luận tại Tổ.
Một điểm quan trọng được đại biểu nhấn mạnh là: phạm vi sửa đổi của Luật lần này nên tập trung vào các vướng mắc thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã), nhất là tại các tỉnh đang xem xét sáp nhập và không còn tổ chức cấp huyện. Việc mở rộng phạm vi sửa đổi với nhiều nội dung chưa được rà soát đầy đủ sẽ dễ dẫn tới khó khăn trong thi hành khi luật có hiệu lực.
Cuối cùng, đại biểu bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế và Tài chính và Bộ Tư pháp về vấn đề phân cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Trong đó, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia hiện đang thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng dự thảo đề xuất chuyển sang cho Chính phủ. Theo đại biểu, đây là hai loại quy hoạch có tính chiến lược, phạm vi ảnh hưởng rộng toàn quốc, cần được đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định phân cấp, nhằm đảm bảo tính giám sát và thận trọng trong quá trình phát triển bền vững.