Đại biểu Nguyễn Thị Huế tham gia thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
( Cập nhật lúc:
12/05/2025
)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 10/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Phát biểu tại hội trường đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đề nghị làm rõ khái niệm “hàng hóa” và sự thống nhất với các luật liên quan. Tại điểm đ khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 2 Luật hiện hành, có đưa ra khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” như sau: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng hoặc trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ.”. Tuy nhiên, cụm từ “hàng hóa” trong định nghĩa này hiện đang thiếu sự cụ thể và có thể gây ra hiểu lầm trong quá trình áp dụng. Theo khoản 17 Điều 4 Luật Đấu thầu, hàng hóa bao gồm: máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; sản phẩm; phương tiện; hàng tiêu dùng; thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; phần mềm thương mại. Điều này có nghĩa là “hàng hóa” bao hàm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Trong khi đó, tại khoản 12 Điều 1 của Dự thảo, sửa đổi, bổ sung Điều 20 Luật hiện hành, quy định cụ thể: “Quảng cáo thuốc được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật Dược”. Theo quy định này, chỉ cho phép quảng cáo thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn, đồng thời yêu cầu phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam. Như vậy, có sự mâu thuẫn giữa phạm vi khái niệm hàng hóa được phép quảng cáo và quy định chuyên ngành về điều kiện quảng cáo thuốc. Đại biểu đề nghị để bảo đảm tính thống nhất và tránh xung đột pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội hàm khái niệm “hàng hóa” trong Luật Quảng cáo theo hướng loại trừ các sản phẩm không được phép quảng cáo hoặc gắn liền nội dung này với điều kiện ngành cụ thể, ví dụ như Luật Dược đối với sản phẩm thuốc.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại hội trường
Tiếp theo đại biểu đề nghị quy định trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo cần được quy định đồng bộ, phù hợp thực tiễn, tại khoản 8 Điều 1 của dự thảo Luật, đề xuất bổ sung Điều 15a vào sau Điều 15 của Luật hiện hành nhằm quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Một số nội dung quan trọng được đưa ra nhưng cần xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp thực tế. Theo điểm c khoản 2 dự thảo Điều 15a, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo quy định: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Điều 19 của Luật này”. Tuy nhiên, theo điểm c khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, bên thứ ba chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới nếu cung cấp thông tin sai lệch, trừ trường hợp chứng minh được đã thực hiện đầy đủ biện pháp kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin. Do đó đại biểu đề nghị cần điều chỉnh quy định trong Dự thảo theo hướng tương thích với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, người chuyển tải chỉ phải chịu trách nhiệm khi không chứng minh được đã thực hiện nghĩa vụ kiểm tra thông tin, qua đó tránh tạo gánh nặng pháp lý không hợp lý cho người làm quảng cáo, đặc biệt là cá nhân, người ảnh hưởng.
Về nghĩa vụ xác minh và sử dụng sản phẩm, đại biểu nêu ý kiến: Tại điểm a khoản 3 của Điều 15a dự thảo quy định: “Xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo; trường hợp chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu”. Quy định yêu cầu người chuyển tải quảng cáo phải sử dụng hoặc hiểu rõ sản phẩm trước khi quảng cáo. Đây là một biện pháp nhằm ngăn ngừa quảng cáo sai sự thật, tạo sự tin cậy với người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này có thể gây khó khăn trong trường hợp: Sản phẩm mới ra mắt hoặc chưa có mặt tại thị trường Việt Nam (ví dụ: ô tô, thiết bị điện tử, điện thoại cao cấp…); Sản phẩm có tính chất đặc thù (thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…) mà việc xác minh đã sử dụng gần như không thể thực hiện được bởi không có cơ chế kiểm chứng rõ ràng.
Đại biểu đề nghị cần quy định rõ và khả thi hơn về tiêu chí “hiểu rõ sản phẩm” và loại bỏ điều kiện bắt buộc “đã sử dụng” trong mọi trường hợp. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về “độ tin cậy của người quảng cáo” và cách thức xác minh, để tránh tình trạng luật khó áp dụng, dẫn đến tiêu cực trong thực thi.
Cuối cùng đại biểu nêu ý kiến cần tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi và đồng bộ pháp lý đối với hoạt động quảng cáo một lĩnh vực đang phát triển nhanh và phức tạp trong bối cảnh công nghệ số. Việc làm rõ khái niệm, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của người làm quảng cáo. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Việc tiếp thu các ý kiến xác đáng từ thực tiễn là yếu tố then chốt để xây dựng một văn bản pháp luật vừa sát thực tế, vừa có tính dẫn dắt, tạo hành lang pháp lý ổn định và hiện đại cho ngành quảng cáo trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số.