Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận ở Tổ về các Nghị quyết, dự án luật

( Cập nhật lúc: 09/05/2025  )

Chiều ngày 07/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội làm việc tại Tổ thảo luận về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Tại Tổ thảo luận số 11, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Kạn, Vĩnh Long, Sơn La và Long An đã tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể vào nội dung các dự thảo luật, Nghị quyết.

Tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đề nghị tiếp tục quy định chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thảo luận tại Tổ.

Đại biểu nêu ý kiến theo Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án và Viện trưởng cùng cấp. Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm quyền giám sát của nhân dân thông qua cơ quan dân cử tại địa phương. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh rằng quy định này không chỉ mang tính nguyên tắc hiến định mà còn là nhu cầu thực tế trong việc bảo đảm tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan tư pháp đồng tình với quan điểm hoạt động tư pháp phải độc lập, nhưng độc lập không có nghĩa là không chịu giám sát. Giám sát ở đây là để bảo đảm công lý được thực thi một cách khách quan, không bị lạm dụng hoặc thiếu sót trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước. Việc Tòa án độc lập trong xét xử, Viện kiểm sát độc lập trong thực hành quyền công tố. Nhưng hoạt động báo cáo, cung cấp thông tin cho HĐND và trả lời chất vấn là hoạt động hành chính thể hiện sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, hoàn toàn không vi phạm tính độc lập. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 27 năm 2022 về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nhấn mạnh vai trò của việc kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó có hoạt động kiểm soát giữa các cơ quan trong cùng cấp chính quyền địa phương, ở cấp tỉnh Tòa án nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh vẫn là những cơ quan tương đương với HĐND tỉnh, do đó, quyền chất vấn là phù hợp về cả nguyên tắc tổ chức lẫn thực tế vận hành.

Việc giám sát từ địa phương giúp ngăn ngừa sai phạm và tăng tính khách quan từ thực tế hoạt động của HĐND các tỉnh, đại biểu cho rằng chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh là một kênh rất hiệu quả để theo dõi và giám sát hoạt động tư pháp, nhất là với những vụ án phức tạp, có nhiều dư luận trái chiều hoặc liên quan đến quyền và lợi ích thiết thực của người dân vì không phải vụ việc nào Trung ương cũng nắm rõ. Đại biểu HĐND tại địa phương có điều kiện tiếp cận thực tế, hiểu rõ hoàn cảnh tranh chấp, diễn biến xã hội và tâm lý cộng đồng. Việc chất vấn từ đó sẽ phản ánh được đúng những gì người dân đang quan tâm. Nếu không có sự giám sát từ HĐND, hoạt động tư pháp địa phương sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ngành dọc từ trên xuống, điều này tuy cần thiết nhưng chưa đủ để đảm bảo kiểm soát quyền lực một cách toàn diện.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới  tham gia thảo luận tại Tổ.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới  (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) tham gia thảo luận 02 nội dung:

Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi): Đại biểu đề xuất cần quy định rõ trách nhiệm trong cơ chế ủy quyền và đảm bảo vai trò của cơ quan dân cử tại khoản 3 Điều 14 về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền. Tuy nhiên, quy định như vậy vẫn còn chưa rõ ràng, đặc biệt trong việc xác định trách nhiệm khi xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền. Cụ thể, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền thực hiện sai nội dung, vượt quá phạm vi hoặc thời hạn, mà cơ quan ủy quyền không có biện pháp tạm dừng hoặc đình chỉ kịp thời thì cần quy định rõ ràng rằng cơ quan ủy quyền vẫn phải chịu trách nhiệm. Đại biểu đề xuất cần bổ sung quy định: Trong trường hợp cơ quan ủy quyền đã có văn bản cảnh báo hoặc quyết định tạm dừng việc ủy quyền thì có thể được miễn trừ trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu không có hành động nào khi phát hiện sai phạm, thì trách nhiệm pháp lý vẫn thuộc về cơ quan ủy quyền. Điều này nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và hiệu quả của cơ chế ủy quyền.

Liên quan đến cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, đại biểu bày tỏ lo ngại về chế độ hoạt động của các chức danh như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban và Ủy viên Hội đồng nhân dân ở các cấp, nhất là trong bối cảnh nhiều chức danh đang được quy định là không chuyên trách. Tại Điều 29 của dự thảo Luật, một số nội dung còn thiếu nhất quán, có thể dẫn đến tình huống nhiều chức danh chủ chốt của Hội đồng nhân dân không có đại biểu hoạt động chuyên trách, gây khó khăn cho hoạt động giám sát, kiểm tra và quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương, cơ quan dân cử sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định.  Đại biểu cho rằng cần rà soát, điều chỉnh quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân để đảm bảo có đủ đại biểu chuyên trách, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa các điều khoản liên quan đến cơ chế ủy quyền và tổ chức bộ máy Hội đồng nhân dân để đảm bảo tính đồng bộ, rõ ràng và khả thi trong triển khai thực tế, qua đó phát huy tối đa vai trò của chính quyền địa phương và cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, theo nội dung tại khoản 3 Điều 2 của dự thảo, quy định "trường hợp đặc biệt" cho phép chỉ định người không phải là đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã. Đại biểu đặt vấn đề: "Trường hợp đặc biệt là như thế nào? Là Bí thư, Chủ tịch kiêm Chủ tịch HĐND? Hay là Chủ tịch HĐND chuyên trách? Hay bao gồm cả các chức danh như Phó Chủ tịch, Trưởng ban?” . Nếu không làm rõ, việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn và dễ dẫn đến những cách hiểu, cách áp dụng khác nhau. Từ đó, đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa khái niệm "trường hợp đặc biệt" trong văn bản pháp luật, xác định rõ các tiêu chí, điều kiện áp dụng và phạm vi các chức danh lãnh đạo có thể bổ nhiệm theo quy định này. Chỉ khi đó, việc thực hiện mới đảm bảo tính minh bạch, thống nhất và hiệu quả trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) tham gia thảo luận đối với Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi): Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung yêu cầu người đứng đầu tổ chức thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức theo quy định hiện hành, đồng thời phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ một cách khách quan, trung thực và chính xác. Nhằm tăng trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chính sách cán bộ; đề nghị bổ sung quyền của công chức được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ và năng lực thích ứng với chuyển đổi số. Đây là điều kiện quan trọng giúp công chức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời đại số; Xem xét phân loại công chức theo vị trí việc làm hiện nay, phân loại công chức chủ yếu theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tiến tới phân loại theo vị trí việc làm, phù hợp với chủ trương sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức; Việc đánh giá công chức là cần thiết, nhưng cần có tiêu chí rõ ràng, định lượng được và minh bạch. Đại biểu đề xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để đánh giá công chức một cách khách quan, công bằng và chính xác tương tự như cách nhiều doanh nghiệp hiện nay đang sử dụng các hệ thống tự động hóa trong đánh giá nhân sự.

Liên quan đến quy định công chức bị xếp loại "không hoàn thành nhiệm vụ" có thể bị bố trí vào vị trí thấp hơn hoặc cho thôi việc, đại biểu bày tỏ lo ngại điều này sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực và không tạo điều kiện cho công chức sửa sai, nếu quy định quá cứng nhắc sẽ khiến người vi phạm vừa bị đánh giá thấp, vừa bị xem như đã chịu “hai hình thức kỷ luật”. Do đó, đề nghị việc đánh giá cần tính đến yếu tố khách quan và phải nhân văn hơn, để công chức có cơ hội khắc phục hạn chế và sửa sai.

Nguyễn Thêm- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Tin cùng chuyên mục


Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân đề xuất nhiều chính sách thiết thực tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)(08/05/2025)

Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chủ trì tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại địa phương(07/05/2025)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại Tổ về các dự án Luật(07/05/2025)

Dự thảo Luật Nhà giáo cần quy định rõ chính sách đặc thù đối với nhà giáo là người dân tộc thiểu số(07/05/2025)

Quốc hội thảo luận tại Tổ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.(06/05/2025)

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(05/05/2025)

Họp phối hợp thông tin, tuyên truyền hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(28/04/2025)

Phỏng vấn đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(28/04/2025)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với các cơ quan địa phương trước khi tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(24/04/2025)

Đoàn đại biểu Quốc hội và Công an tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo trao đổi, cung cấp thông tin, lấy ý kiến một số dự án Luật được trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(24/04/2025)

ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP