Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vai trò của HĐND tỉnh Bắc Kạn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh của địa phương trong nhiệm kỳ 2016-2021

( Cập nhật lúc: 18/05/2021  )

Bám sát nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, HĐND tỉnh đã chú trọng, kịp thời ban hành các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa IX

Trong lĩnh vực kinh tế, HĐND tỉnh chú trọng ban hành các chính sách góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhất là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị quyết về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, giai đoạn 2017-2020 trong đó có 05 chính sách với 15 nội dung hỗ trợ. Nghị quyết về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với 06 chính sách hỗ trợ. Nghị quyết ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong đó có 02 chính sách và 09 nội dung hỗ trợ. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết do HĐND ban hành góp phần thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp: Trong 05 năm qua ngành nông lâm nghiệp tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có liên kết trong khâu tổ chức sản xuất. Các loại cây đặc sản có thế mạnh của tỉnh như Cam, Quýt, Chè, Hồng không hạt… được thâm canh, tăng dần năng suất, chất lượng sản phẩm; một số diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chứng nhận sản xuất hữu cơ. Một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước; đến nay đã công nhận 140 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Tổng số hợp tác xã hoạt động trên địa bàn tỉnh là 221 hợp tác xã trong đó một số hợp tác xã nông lâm nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho thành viên. Qua đó, đời sống vật chất của người dân nông thôn từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo điều kiện thu hút học sinh, sinh viên các dân tộc trên địa bàn có cơ hội tiếp cận học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề tập trung trong việc phát triển lĩnh vực giáo dục như: Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Hoặc Nghị quyết về việc quy định cụ thể thực hiện một số nội dung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ và một số chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh. Chính sách đã góp phần tạo điều kiện cho các em học sinh yên tâm học tập, giảm bớt khó khăn cho các em khi đến trường, giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học, học sinh lưu ban, chất lượng học tập nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng, có học sinh đạt giải trong các hội thi cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, trong nhiệm kỳ vừa qua tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập xóa mù chữ mức độ 1. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường từ 3-5 tuổi đạt 99,6%, trẻ 5 tuổi đạt 99,8%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân trên 90%; Chất lượng giáo dục được nâng lên qua từng năm.

Việc ban hành các chính sách trong lĩnh vực giảm nghèo, an sinh xã hội cũng được quan tâm thực hiện như: Nghị quyết quy định mức hỗ trợ và các khoản đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn tỉnh. Chính sách này góp phần khuyến khích người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và cơ sở cai nghiện ma túy công lập, giúp cho công tác vận động cai nghiện tại các địa phương thuận lợi hơn. Ngoài chính sách của Trung ương tỉnh đã ban hành quy định mức hỗ trợ tăng thêm ngoài mức hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ với các chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nghèo đa chiều, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định. Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thuộc diện dôi dư có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc. Chính sách này góp phần bảo đảm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức theo đúng quy định; đồng thời nhằm khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc ngay, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát đi vào trọng tâm, trọng điểm có chất lượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát trên 40 cuộc giám sát, HĐND tỉnh đã ban hành 07 nghị quyết về kết quả giám sát. Trong đó, có thể kể đến một số nội dung giám sát có tác động tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Năm 2016, Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; sau 02 năm thực hiện các kiến nghị sau giám sát chỉ số cải cách hành chính năm 2018 tăng 11 bậc so với năm 2016. Hoặc thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát về tình hình quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến năm 2017 đã góp phần quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn thu ngân sách và chống thất thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khai thác khoáng sản, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, thu ngân sách địa phương. Thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản tăng qua các năm: năm 2017 đạt 82.787 triệu đồng đồng; năm 2018 đạt 111.332 triệu đồng. Thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh đã quyết định chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo từ Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện từ ngày 01/01/2020. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thường xuyên theo dõi tiến độ giải ngân của các dự án, đôn đốc các địa phương thực hiện. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của từng thành viên trong phối hợp theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo tại địa phương theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

Tin tưởng rằng với những kết quả đã đạt được trong hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2021, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, sự phối hợp của các cơ quan liên quan, trong thời gian tới HĐND tỉnh sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, tích cực đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, xứng đáng với niềm tin, sự tín nhiệm và kỳ vọng của cử tri./.

Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bắc Kạn
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP