Hội thảo “Thúc đẩy nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026”
( Cập nhật lúc:
26/04/2021
)
Ngày 23/4/2021, Thường trực HĐND tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Tổ chức Nhân dân về y tế, giáo dục và phát triển Hải ngoại Australia (APHEDA) tổ chức Hội thảo thúc đẩy nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là người dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.
Toàn cảnh hội thảo
Dự hội thảo, về phía tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Thu Trang, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và các đồng chí Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức các huyện, thành phố trong tỉnh.
Về phía đại biểu Trung ương có đại diện Bộ Nội vụ, Uỷ ban dân tộc, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử Quốc hội, các Bộ ban ngành Trung ương; có bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng đại diện tổ chức APHEDA và đại biểu các tỉnh bạn có đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh Hải Dương, Tuyên Quang, Cao Bằng, Phú Yên, Thái Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Đối với tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ nữ ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp có tăng so với nhiệm kỳ trước (khóa XIV tỷ lệ nữ tăng 2,3% so với khóa XIII, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND các cấp đạt trên 26%), trong đó, trên 85% là người dân tộc thiểu số. Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương cho vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia trao đổi về các nội dung: Một số giải pháp tăng cường sự hỗ trợ đối với nữ ứng cử viên nói chung và nữ ứng cử viên dân tộc thiểu số nói riêng để nâng cao cơ hội trúng cử; nữ tham chính và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; chính sách và giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ nữ ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng nữ ĐBQH và đại biểu HĐND vùng dân tộc thiểu số phía Bắc; chia sẻ về nữ tham chính của Ireland; chia sẻ kinh nghiệm, thành công khi là nữ ĐBQH… Các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ và khẳng định bình đẳng giới trong chính trị ở nhiều địa phương đã có nhiều cải thiện nhưng khoảng cách giới vẫn còn lớn, đặc biệt là nhóm nữ dân tộc thiểu số.
Tạo cơ hội cho phụ nữ tham chính thông qua bầu cử chính là trao cho họ cơ hội được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cần tập trung phát huy vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy và hỗ trợ nữ ứng cử viên nói chung và nữ ứng cử viên là người dân tộc thiểu số nói riêng kỹ năng vận động tranh cử, thuyết phục cử tri…, nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử./.