Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

( Cập nhật lúc: 28/07/2021  )

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, ngày 27-7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Toàn cảnh phiên họp sáng 27/7

Đối với Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đa số ý kiến ghi nhận sự chuẩn bị của cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội và đề nghị Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn thực hiện sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này. Nhiều ý kiến quan tâm trao đổi về kết quả, ý nghĩa tích cực của chương trình, đồng thời nêu những vấn đề bất cập, đặc biệt là những đề xuất cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới. Một số ý kiến góp ý về tên gọi, phạm vi, đối tượng, địa bàn của Chương trình; về sự lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia. Có nhiều ý kiến nêu cụ thể về mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp, cơ chế thực hiện, tính khả thi của dự án, tiểu dự án thành phần,...

Về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các ý kiến cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và 11 nội dung, 6 đề án chương trình trọng tâm của chương trình và cho rằng thực hiện chương trình giai đoạn này khó khăn hơn giai đoạn trước do các xã còn có nhiều điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, chủ yếu là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các xã nghèo, các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, nên cần quan tâm hơn, có giải pháp mới hơn để đạt được mục tiêu của chương trình.

Các vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần bao gồm tất cả các địa bàn nông thôn ở các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như các giai đoạn trước đây, nên đề nghị Chính phủ không thay đổi phạm vi địa bàn của chương trình. Đồng thời, để tránh trùng lắp với 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại, các chương trình dự án xóa đói, giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần thực hiện thực hiện lồng ghép phù hợp theo từng nội dung trên từng địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cuối giờ chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; các nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.

Lục Thúy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP