Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

( Cập nhật lúc: 26/07/2021  )

Chủ nhật, ngày 25/7, Quốc hội dành 01 ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó nội dung về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) phát biểu thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội

Đa số ý kiến đại biểu đánh giá Báo cáo của Chính phủ đã bao quát đầy đủ các lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội, văn hóa, môi trường, đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Trong hoàn cảnh khó khăn, nhất là dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp nhưng phát triển kinh tế - xã hội vẫn đạt được kết quả tích cực.

Các đại biểu đã phân tích, đánh giá thẳng thắn, sát tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu mà Quốc hội giao.

Nội dung về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Các ý kiến đại biểu đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết, đồng lòng, cùng chung tay chống dịch với mục tiêu cao nhất là sức khỏe và tính mạng của người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đã phân tích làm rõ thêm một số bài học rút ra trong công tác phòng chống Covid – 19 trong đó có việc quyết liệt phòng, chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan với những cách làm sáng tạo của các địa phương; việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vừa qua đã có tác dụng răn đe quy định trong phòng, chống dịch; việc không công khai lịch trình di chuyển của người dân, bảo đảm quyền riêng tư, tránh tổn thương cho người bệnh. Đại biểu nhấn mạnh đến sự nỗ lực, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự sẻ chia chi viện giữa các địa phương và bài học về huy động sức dân trong phòng chống dịch cũng như hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19.

Theo đại biểu Thủy, việc Đảng, Nhà nước quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới là một quyết sách kịp thời và hợp lòng dân. Để góp phần nâng cao hiệu quả của việc triển khai gói hỗ trợ, đại biểu Thủy đã kiến nghị Chính phủ giao các bộ ngành hữu quan triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp rà soát chính xác, nhanh chóng đối tượng thụ hưởng và tránh trùng lắp, bỏ sót đối tượng hoặc tiêu cực có thể xảy ra. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ giao bộ, ngành hữu quan rà soát, đánh giá khả năng vượt qua khó khăn trong điều kiện dịch bệnh hiện nay của các doanh nghiệp để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Ngoài ra, các đại biểu khác cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch như nghiên cứu chiến lược sống chung với dịch, việc bổ sung, sửa đổi Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó quan tâm tới chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu; việc đầu tư cơ sở vật chất xét nghiệm, nội địa hóa trang thiết bị y tế phòng chống dịch, tự chủ về nguồn vắc xin,…

Trước đó, vào chiều 24/7, Quốc hội đã thảo luận và quyết định điều chỉnh chương trình làm việc của Quốc hội, theo đó, Kỳ họp sẽ bố trí làm việc vào ngày chủ nhật, thời gian kỳ họp kết thúc sớm hơn 03 ngày và bế mạc vào ngày 28/7.

Lục Thúy
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP