Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025

( Cập nhật lúc: 19/07/2021  )

Theo Thông báo số 4467/TB-TTKQH, ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Tổng Thư ký Quốc hội, trong 3 ngày (12 đến 14/7/2021) Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành Phiên họp thứ 58 để xem xét, cho ý kiến về các vấn đề quan trọng của đất nước giai đoạn 2021-2025 như: Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, định hướng Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025…

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 5 năm 2021-2025 như Chính phủ trình, nhưng cần đặt chỉ tiêu hằng năm cao hơn để phấn đấu, cần lưu ý tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế, chính sách; mục tiêu hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời, bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, không để nợ xấu tăng trở lại, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử…

Về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định: Tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng; bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 50.000 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 30.000 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 20.000 tỷ đồng; Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm số liệu và đảm bảo bố trí nguồn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản, kể cả nghĩa vụ nợ của ngân sách trung ương đang tạm ứng nguồn tồn ngân kho bạc nhà nước trước đây.

Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết thực hiện Chương trình, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán các nguồn vốn phù hợp, lưu ý đến yếu tố kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thu ngân sách; đồng ý bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho Chương trình 39.632 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 30.000 tỷ đồng và 9.632 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đối tượng, địa bàn của Chương trình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn; ngoài giải quyết chiều nghèo về thu nhập cần bổ sung các nội dung phù hợp để giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản còn cao của các hộ nghèo ở giai đoạn trước hoặc chưa bố trí nguồn lực thực hiện như nhà ở, dinh dưỡng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều hằng năm 1-1,5%; thống nhất bố trí đủ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho Chương trình là 20.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và về công tác nhân sự chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV./.

Ái Vân, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP