Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đề xuất 07 nhóm chính sách xây dựng dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

( Cập nhật lúc: 16/09/2021  )

Sáng ngày13/9, ngay sau Phát biểu khai mạc Phiên họp thường vụ thứ 3 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh Phiên họp

Cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.

Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như: thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ, v.v... Một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó: “Phát triển cân bằng, đồng bộ thị trường tài chính...Phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá...”; Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, trong đó đã nêu rõ nhiệm vụ “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế…”; Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” xác định “sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro; xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm đẩy mạnh công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra”.

Từ những lý do trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết.

Về quan điểm sửa đổi Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật sửa đổi phải thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua đổi mới cung cấp dịch vụ, phương thức kinh doanh và phương thức quản lý Nhà nước; công khai, minh bạch, tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt coi trọng chất lượng và sự an toàn của thị trường; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để hình thành một hệ thống thị trường bảo hiểm đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước. Ngoài ra, cần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với cam kết quốc tế có liên quan; xác định rõ nội dung, nguyên tắc áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và các luật khác có liên quan.

Mục tiêu sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Trình bày Dự thảo luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với  8 chương, 156 điều đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.

Đối với những quy định chung: Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: Đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; Sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; Nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); Các loại hình bảo hiểm thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và  bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Về Hợp đồng bảo hiểm: Nội dung này cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp. Nội dung về hợp đồng bảo hiểm được hoàn thiện gồm: Các quy định chung; Đối với từng loại hợp đồng (nhân thọ và sức khỏe, tài sản và thiệt hại, trách nhiệm dân sự); Về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp;...

Về Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm: Dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.

Về tổ chức hoạt động, bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp như quy định mới về tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, thuê ngoài đáp ứng điều kiện; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài. Ngoài ra, bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng;...

Về Bảo hiểm vi mô: Nội dung này được quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).

Về Đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Các nội dung sửa đổi bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn triển khai của thị trường trong thời gian qua, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Về Quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm: Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.

Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và được đánh giá thường xuyên; bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư thay bằng quy định về tài sản không được đầu tư, bổ sung quy định đầu tư ra nước ngoài; doanh nghiệp phải tách, ghi nhận và theo dõi riêng đối với nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong và ngoài nước.

Ngoài ra, bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.

Về Quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm: Sửa đổi theo hướng gộp quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. 

Đối với cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước: Bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm./.

Triệu Tuyên (Sưu tầm)
Theo quochoi.vn
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP