Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tổng hợp một số nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ hai

( Cập nhật lúc: 20/08/2021  )

Sau 02 ngày làm việc khẩn trương và tích cực (ngày 17,18/9/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ hai với nhiều nội dung quan trọng.

Cho ý kiến một số nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ hai

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đây là dự án luật có phạm vi tác động rất lớn, toàn diện, việc sửa đổi lần này yêu cầu đặt ra là phải được tiến hành một cách kỹ lưỡng và toàn diện để đảm bảo cho luật sau khi được ban hành tạo ra được một bước chuyển biến tích cực và rõ rệt trong công tác thi đua và khen thưởng, nhất là khắc phục cho được bệnh hình thức và bệnh thành tích trong tổ chức thi đua, khen thưởng. Đây là một trong các dự án luật đầu tiên của Quốc hội khóa XV, do đó Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, tọa đàm, hội thảo nhằm hoàn thiện dự án đạt chất lượng cao nhất để trình Quốc hội, phải đảm bảo cho quá trình xây dựng dự án luật này trở thành hình mẫu tiêu biểu, hiện thực hóa được tầm nhìn, các định hướng, chủ trương, nâng cao chất lượng công tác lập pháp cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Liên quan đến nội dung thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội và báo cáo về quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 2. Các thành vien Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các nội dung về công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tình hình nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, công tác kiểm tra, thanh tra; thu chi bảo hiểm xã hội, đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội…Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội; rà soát trách nhiệm về quản lý nhà nước của các quỹ trong quản lý, trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với các quỹ này. Lưu ý tình trạng các quỹ ngắn hạn còn kết dư lớn, do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, chỉ đạo cả về định mức, mức đóng, phạm vi và mức chi để đảm bảo cho việc sử dụng các quỹ đúng tính chất là các quỹ ngắn hạn; tránh tiêu cực và trục lợi trong việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, đề xuất các giải pháp để bảo đảm tính an toàn của quỹ trong dài hạn; đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo công tác nghiên cứu, xây dựng, xem xét trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa tinh thần, quan điểm tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. 

Xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Để đảm bảo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 02 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022, đó là: (1) giám sát về việc thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; (2) giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã biểu quyết nhất trí thông qua: (1) Về nguyên tắc định mức chung về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, thông qua về mặt nguyên tắc định hướng chung và giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính rà soát, thống nhất các nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc cần phải làm rõ thêm để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi ký ban hành; (2) Về Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc định hướng chung và giao Ban Công tác đại biểu chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rà soát, thống nhất các nọi dung, hoàn thiện Nghị quyết để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Một số nội dung khác được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến như: (1) Về kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc liên quan đến nội dung phân định miền núi, vùng cao, đề nghị Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện, hiệu quả việc thực hiện để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất và đồng bộ để thực hiện các chính sách trong giai đoạn tiếp theo; (2) Liên quan đến việc xem xét việc thành lập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự Quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân và việc bãi bỏ nghị quyết, một số điều của các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể các cơ quan này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng ý thông qua 02 dự thảo Nghị quyết: Nghị quyết về việc thành lập, giải thể các Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân; Nghị quyết về việc bãi bỏ các quy định về thành lập Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, thống nhất thành lập 22 Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; thành lập 63 Cơ quan cảnh sát hình sự khu vực. Để Chính phủ có thời gian chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực hiện, thời điểm có hiệu lực thi hành của 02 nghị quyết này được các cơ quan thống nhất là từ ngày 01/11/2021; (3) Xem xét và cho ý kiến về báo cáo tình hình giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Ban Dân nguyện. Trong thời gian tới sẽ đưa nội dung này vào hoạt động thường xuyên hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của công tác dân nguyện.

Từ nay đến kỳ họp thứ 2 thời gian không còn nhiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có liên quan bám sát kết luận để tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đặc biệt, không để diễn ra tình trạng chậm trễ các nội dung của phiên họp, kỳ họp hoặc rút nội dung do không kịp chuẩn bị hoặc bổ sung những nội dung rất khẩn cấp nhưng lại không đảm bảo quy trình thủ tục, chất lượng.

Triệu Tuyên (Sưu tầm)
Theo Quochoi.vn
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP