Một vài kinh nghiệm trong công tác phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa Thường trực HĐND với Thường trực Ủy ban MTTQ
( Cập nhật lúc:
18/05/2021
)
Tôi rất vinh dự được cử tri đơn vị bầu cử số 02 huyện Ba Bể bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn khóa VII, nhiệm kỳ 2011- 2016. Thời gian nhiệm kỳ 5 năm dù ít ỏi nhưng đã đọng lại trong tôi biết bao kỷ niệm khó phai mờ, đến nay tuy không còn tham gia đại biểu HĐND tỉnh nhưng những buổi sinh hoạt, thảo luận tổ, thảo luận tập trung, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường trong các kỳ họp; những buổi tham gia khảo sát, giám sát thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và nghị quyết Hội đồng nhân, các chương trình, dự án của tỉnh nói riêng cho đến các cuộc tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử vẫn luôn hiện lên trong tâm trí tôi.
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri xã Kim Hỷ, huyện Na Rì
Trong đó, đáng nhớ nhất là những Hội nghị tiếp xúc cử tri tại cơ sở, tại đó các đại biểu Hội đồng nhân dân trong tổ báo cáo với cử tri về kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan chức năng, báo cáo kết quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân giữa các kỳ họp. Đồng thời nghe cử tri phản ánh về tình hình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân về phát triển kinh tế- xã hội và những tâm tư, nguyện vọng của mình với tổ đại biểu Hội đồng nhân dân…
Tuy vậy, trong quá trình tiếp xúc cử tri tôi nhận thấy còn khá nhiều trăn trởđó là các hội nghị đều được tổ chức tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, thành phần cử tri “na ná” giống nhau chủ yếu là đại diện Thường trực Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN; các ban, ngành, đoàn thể xã và một số ít cán bộ không chuyên trách thôn, tiểu khu; ít có cử tri là người có uy tín, người dân trực tiếp tham gia sản xuất và cử tri thường ít phát biểu ý kiến. Cũng tại đó một số cử tri chưa thật sự hài lòng về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của mình một cách thấu đáo, kịp thời, thậm chí có nội dung trả lời chưa đúng với vấn đề cử tri kiến nghị…cùng với sự tác động của cơ chế thị trường hiện nay đã làm cho cử tri có phần kém mặn mà với việc tham dự các Hội nghị tiếp xúc cử tri do đó ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới theo cá nhân tôi cần làm tốt hơn công tác phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa Thường trực Hội đồng nhân dân với Ban Thường trực Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc chuẩn bị và tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri:
Một là, trước và sau các kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân cần phối hợp với UBMTTQVN, các Tổ đại biểu xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri và gửi các địa phương kịp thời triển khai đến đến cơ sở để cử tri có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị tham gia ý kiến. Mời đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng tham dự để trực tiếp giải đáp các thắc mắc, bức xúc của cử tri để cử tri cảm thấy mình được quan tâm và tôn trọng, hạn chế việc chuyển tải ý kiến không cần thiết lên cấp trên.
Hai là,Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền và Ủy ban MTTQVN ở cơ sở triển khai kịp thời kế hoạch các cuộc tiếp xúc cử tri của Thường trực HĐND với các đơn vị dự kiến tổ chức tiếp xúc; cần lựa chọn địa bàn, đối tượng tiếp xúc rộng rãi hơn, như tại địa bàn khu dân cư, trường học, bệnh viện…hạn chế các hội nghị tiếp xúc chỉ có thành phần lãnh đạo, đại diện các ban, ngành, đoàn thể xã và thôn (còn gọi là cử tri chuyên nghiệp) thường nhàm chán, không có ý kiến tham gia phát biểu ý kiến.
Ba là, Văn phòng phối hợp với các đơn vị liên quan cần chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Hội nghị tiếp xúc cử tri, ngoài phương tiện đi lại cần phân công chuyên viên có năng lực tổng hợp đi dự, trực tiếp theo dõi, ghi chép, trao đổi các kiến nghị chưa rõ với cử tri. Vì thực tế một số Hội nghị tiếp xúc sau khi kết thúc, tổ đại biểu hoặc người chủ trì chỉ lấy biên bản hội nghị do thư ký ở cơ sở ghi chép nên chưa đảm bảo chính xác, đầy đủ.
Bốn là,đại biểu HĐND cần nắm được tâm lý cử tri trong các hội nghị tiếp xúc, từ đó hướng dẫn, gợi mở, dành thời gian thỏa đáng để cử tri phát biểu ý kiến về các lĩnh vực sản xuất, đời sống, xã hội. Vì thực tế có không ít cử tri ở cơ sở chưa quen phát biểu trước đông người, chưa mạnh dạn nói lên ý kiến của mình.
Năm là,sau cuộc tiếp xúc cử tri, Tổ đại biểu HĐND tỉnh chủ động phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh để thống nhất các vấn đề kiến nghị gửi đến Thường trực HĐND tỉnh. Trong thời hạn quy định, Văn phòng có trách nhiệm tổng hợp, phân loại tham mưu Thường trực HĐND ban hành văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chức năng xem xét chỉ đạo giải quyết, trả lời theo quy định. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn đảm bảo giải quyết thấu đáo, kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri (nhất là các kiến nghị bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của cử tri và nhân dân). Các ý kiến, kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải quyết phải được tổng hợp phân loại theo địa bàn TXCT để thuận tiện cho đại biểu khi báo cáo kết quả trả lời kiến nghị với cử tri tại điểm tiếp xúc./.