Chất vấn, giải trình là những hoạt động chủ yếu của đại biểu Hội đồng nhân dân tại mỗi kỳ họp, phiên họp, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng quyết định tại kỳ họp, phiên họp khi vấn đề được làm rõ. Chất vấn tại kỳ họp của đại biểu Hội đồng nhân dân là hoạt động giám sát trực tiếp, là quyền quan trọng của đại biểu dân cử, mà ở đó thể hiện quyền lực và trách nhiệm của đại biểu với cử tri của mình, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền. Thực tế tại mỗi kỳ họp của Hội đồng nhân dân, thời gian dành cho hoạt động chất vấn chiếm khoảng 30%; nội dung các câu hỏi chất vấn khá sát với thực tế và là những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm nên phản ánh được nguyện vọng của nhân dân.
Đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII nêu câu hỏi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu
Bản thân tôi là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn khóa VII nhiệm kỳ 2004 - 2011 và khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016, trong thời gian này, trước khi tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh triệu tập, bản thân tôi trên vị trí công tác, thông qua các tiếp xúc cử tri, các cuộc họp ở cơ sở và tổng hợp ý kiến của cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân tại địa phương, tôi lựa chọn những vấn đề mà thời điểm đó ở địa phương cử tri bức xúc và quan tâm nhiều nhất. Sau đó, cá nhân tranh thủ sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu của Trung ương, của tỉnh liên quan đến nội dung chất vấn, nhất là các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc các sở ngành liên quan nhất là những điểm nghẽn, những hạn chế chưa được xem xét, giải quyết, những bức xúc của cử tri đối với lĩnh vực đó còn vướng ở đâu, khâu nào, trách nhiệm của người thực thi công vụ, kết quả của các cuộc giải quyết đó như thế nào. Từ đó tổng hợp thành chuỗi vấn đề bằng các câu hỏi cụ thể cần được chất vấn và làm rõ tại kỳ họp. Khi chất vấn Chủ tịch và các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, bản thân tôi luôn chọn những vấn đề nóng, bức xúc được cử tri ở các đơn vị bầu cử quan tâm, cụ thể trong giai đoạn này bản thân tôi chất vấn về trách nhiệm chỉ đạo đảm bảo giao thông, công tác quản lý bảo vệ rừng, việc thực hiện các thủ tục hành chính, việc thi chuyển ngạch của viên chức ngành giáo dục, y tế, trách nhiệm trong quản lý quy hoạch, đất đai, khai thác khoáng sản trên địa bàn…
Để chất vấn đạt hiệu quả, bản thân tôi không nể nang, ngại va chạm, khi chất vấn những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, bản thân đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, thẳng thắn nêu ra những vấn đề cử tri quan tâm cho dù vấn đề đó thuộc phạm vi trách nhiệm của ai và sẵn sàng truy vấn đến cùng để làm sáng tỏ sự việc, quy rõ trách nhiệm, làm như vậy đại biểu mới thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân. Khi chuẩn bị câu hỏi chất vấn phải đúng nội dung, ngắn gọn, dễ hiểu, đi sâu vào trọng tâm cần hỏi, đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo và bám đến cùng ý kiến giải đáp ngay tại kỳ họp. Việc chất vấn đề nghị làm rõ sự việc đó xảy ra ở đâu, ảnh hưởng như thế nào đối với người dân, nhất là đối tượng chịu ảnh hưởng, trách nhiệm trong việc kiểm tra đôn đốc của ngành chuyên môn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Khi theo dõi việc trả lời chất vấn, bản thân cần lắng nghe xem việc trả lời đó đã đi vào trong tâm vấn đề mà mình nêu chưa, cách giải quyết của người bị chất vấn thế nào, có thỏa đáng không, đồng thời nếu chưa thỏa đáng, chưa đúng và trúng ý mình cần hỏi, thì tiếp tục chất vấn để làm rõ vấn đề ngay tại kỳ họp. Nội dung chất vấn phải là những vấn đề lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng mang tính cấp thiết ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh; đồng thời nội dung chất vấn phải rõ ràng để có thể xác định được trách nhiệm của người trả lời chất vấn; thực trạng đang diễn ra của vấn đề cần chất vấn phải là vấn đề cử tri và xã hội quan tâm.
Qua 02 nhiệm kỳ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, bản thân tôi chia sẻ một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất,đại biểu nên lựa chọn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà đại biểu am hiểu, thường là vấn đề bức xúc được cử tri ở các đơn vị bầu cử và dư luận quan tâm; trước ngày khai mạc kỳ họp, đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia sinh hoạt tổ, nghiên cứu tài liệu và thảo luận các nội dung sẽ phát biểu tại kỳ họp, trong đó thảo luận nội dung sẽ đưa ra chất vấn tại kỳ họp. Đồng thời trên cơ sở nhiệm vụ được phân công của tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu cần thu thập, nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến nội dung chất vấn. Do đó, vấn đề được lựa chọn chất vấn đảm bảo kỹ, là vấn đề lớn, “nóng” tại địa phương.
Thứ hai, khi chất vấn chuẩn bị tâm thế thật tốt, chất vấn rõ ràng, dễ hiểu, học thuộc hoặc nắm ý chính cần chất vấn, mối liên hệ giữa các nội dung cần chất vấn. Nội dung chất vấn tại kỳ họp phải là những vấn đề có tính bức xúc, thiết thực liên quan trực tiếp đến đời sống, xã hội...và có tầm ảnh hưởng lớn, được đông đảo cử tri và đại biểu quan tâm. Đại biểu Hội đồng nhân dân phải dành thời gian thỏa đáng cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, tham gia đầy đủ các lần tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm; đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân đân, đây là điều kiện để nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, làm cơ sở cho việc chất vấn đúng trọng tâm và có chất lượng.
Thứ ba, đại biểu Hội đồng nhân dân phải có sự chuẩn bị trước câu hỏi chất vấn, cần nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan đến nội dung cần chất vấn, nắm rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết của từng ngành để có những câu hỏi, kiến nghị sát thực, đúng địa chỉ, trọng tâm. Câu hỏi chất vấn phải gắn với hậu quả pháp lý buộc người trả lời chất vấn phải giải trình, trả lời rõ ràng và xác định rõ trách nhiệm.
Thứ tư,trên cơ sở Thông báo kết luận hoặc Nghị quyết phiên chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân giao các Ban Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành giám sát việc thực hiện “lời hứa” sau chất vấn, do vậy, đại biểu cần tổng hợp các nội dung đã chất vấn, những vấn đề mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu các sở, ban ngành đã giải trình làm rõ, những vấn đề nào chưa rõ thì tiếp tục có văn bản gửi Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu giải trình làm rõ thêm; đồng thời trên vị trí công tác địa biểu giám sát bằng hình thức theo dõi việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế đã chỉ ra; nếu chưa rõ thường xuyên trao đổi ý kiến chất vấn với người được chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp.
Thứ năm, mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân cần rèn luyện bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ được phân công, thường xuyên rèn luyện các kỹ năng như: Tổng hợp, phân tích, kỹ năng trình bày trước đám đông, kỹ năng lắng nghe…để truyền đạt ý kiến của mình đến người được chất vấn. Đồng thời, đại biểu Hội đồng nhân dân phải biết chọn vấn đề chất vấn, chọn đối tượng trả lời chất vấn và trình bày nội dung chất vấn phải ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu.
Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, vì vậy, trong thời gian tới Hội đồng nhân dân các cấp cần không ngừng đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả chất vấn để ngày càng đáp ứng lòng mong mỏi, sự kỳ vọng của nhân dân vào hoạt động này. Để hoạt động chất vấn thực sự có chiều sâu, thiết thực, giải quyết được những vấn đề bức xúc, mang tính thời sự, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của nhiều chủ thể, trong đó, quan trọng nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân. Do đó, đại biểu Hội đồng nhân dân cần phải nâng cao hơn nữa năng lực và tinh thần trách nhiệm của mình, khẳng định bản lĩnh, vị trí của mình trên diễn đàn chất vấn, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Người đại biểu nhân dân”./.